Nỗ lực cải thiện mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số

12/12/2023 1:13 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM tập trung thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, nỗ lực truyền tải thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" đến từng người dân, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên quan nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Nỗ lực cải thiện mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số- Ảnh 1.

Năm 2023, ước tính tỷ suất sinh tại TPHCM là 1,42 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Tỉ suất sinh tiếp tục ở báo động

TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong những năm gần đây, công tác dân số của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như không ngừng nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Cơ cấu dân số thay đổi theo hướng tích cực với dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 70%. TPHCM cũng kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, năm 2022 tuổi thọ trung bình của người dân ở mức khá cao: 76,3 tuổi so với mặt bằng chung của cả nước là 73,6 tuổi.

Mặc dù vậy, công tác dân số của TPHCM vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó tình trạng mức sinh thấp đã ở mức báo động: Năm 2023, ước tính tỉ suất sinh là 1,42 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (năm 2000, tỉ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ), tiếp tục báo động về tình trạng mức sinh rất thấp so với trung bình cả nước.

Cùng với đó, dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông, phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho các vấn đề liên quan như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh... gặp nhiều khó khăn, thách thức.

PGS.TS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, nhân Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023, Bệnh viện đã tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp đôi nam, nữ thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đáng chú ý, trong số 154 cặp đôi được khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Hùng Vương, có đến 66% người nam có tinh trùng bất thường, nhiều thanh niên nữ gặp các vấn đề, như thiếu máu, bị tiểu đường, nhiễm viêm gan siêu vi B, u xơ tử cung…

Tuy kết quả thăm khám này không phải đại diện cho toàn bộ thanh niên tại TPHCM, song Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, đây là tín hiệu cảnh báo để các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Nỗ lực cải thiện mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số- Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân cho một cặp đôi - Ảnh: TTXVN

Nỗ lực truyền tải thông điệp 'Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con'

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, nỗ lực truyền tải thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" đến từng người dân nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp, mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, các cơ sở y tế có cung cấp các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực dân số cần tập trung triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Chia sẻ với những khó khăn mà TPHCM đang phải đối mặt trong công tác dân số, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Dân số (Bộ Y tế) đề nghị, trong thời gian tới, công tác dân số của Thành phố cần tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.

Thành phố cũng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; tiếp tuc phát huy vai trò của ban chỉ đạo dân số và phát triển các cấp; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Ngoài ra, TPHCM cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

TPHCM cũng cần cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như trẻ vị thành viên, người di cư…

TS.BS. Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng, 20-30 năm sau, dân số Việt Nam sẽ giống các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay với cơ cấu dân số già, thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng. Do vậy, trong giai đoạn này, Việt Nam cần đẩy mạnh khuyến khích sinh, để các cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình.

Để đẩy mạnh tỷ suất sinh, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đề xuất miễn, giảm toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu TPHCM; đồng thời ưu tiên hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội, thuê nhà đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con có hộ khẩu thành phố.

Ngoài ra, Chi cục đề xuất miễn, giảm chi phí học cho trẻ dưới 10 tuổi (ngoài hỗ trợ về định mức học phí của Thành phố, đề xuất bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh), triển khai chương trình sữa học đường...

Trong Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, UBND TPHCM đặt mục tiêu: Nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,6 con/phụ nữ vào năm 2030. Quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.

Hà An (tổng hợp)

Top