Chỉ còn 14 năm chuẩn bị cho xã hội dân số già

29/11/2022 7:29 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM không nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất nhưng áp lực của TPHCM là phải đáp ứng các điều kiện việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho lực lượng lao động hiện hữu để họ không trở thành gánh nặng cho địa phương khi về quê ở tuổi già.

Chỉ còn 14 năm chuẩn bị cho xã hội dân số già - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ có 30% số người trong độ tuổi 30-44 có kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống về già - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Dịch vụ xã hội cho người cao tuổi cần dịch chuyển về khu vực nông thôn

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Già hoá dân số - Cơ hội và thách thức" do Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học Việt Nam và Prudential tổ chức ngày 29/11 tại TPHCM.

Trong báo cáo "Việt Nam: Thích ứng với xã hội già hóa" do Ngân hàng Thế giới (WB) và JICA công bố vào tháng 10 năm 2021 cho thấy, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Cụ thể, từ giai đoạn "dân số đang già" (già hoá) sang "dân số già", Pháp cần 115 năm , Hoa Kỳ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm. Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hoá dân số từ năm 2015 và được dự báo đến năm 2036 sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già. Lợi thế dân số vàng của Việt Nam chỉ còn 14 năm trong khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển và nguy cơ "già trước khi giàu" bởi thu nhập vẫn ở trung bình thấp.

Thông tin tại Hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Trung ương đang chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 15 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2010-2020. Vấn đề già hoá dân số đang là nhận diện quan trọng nhất để chuẩn bị cho quá trình nghiên cứu một chính sách xã hội mới.

Ông Lợi cho rằng, từ nay đến 2030, Việt Nam phải tranh thủ được cơ hội của dân số vàng để tích luỹ cho giai đoạn dân số già. "Phải chuẩn bị các điều kiện của một xã hội dân số già như hệ thống trung tâm dưỡng lão, đào tạo nhân lực chăm sóc người già", ông Lợi chia sẻ.

PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học Việt Nam cho biết, 10 tỉnh ghi nhận tỷ lệ già hóa tăng cao vì tỉ suất sinh giảm, đối mặt tình trạng di cư, trong đó có Thái Bình, Bến Tre, Vĩnh Long, Hà Nam, Nam Định, Tiền Giang, Hải Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hải Phòng. Đáng chú ý là tỉ lệ cao niên sống ở nông thôn ngày càng tăng cao. Do vậy, theo ông Long, dịch vụ xã hội cho người cao tuổi cần được dịch chuyển về khu vực nông thôn thay vì chỉ tập trung cho người cao tuổi ở đô thị.

Vấn đề dân số phải đặt trong mối tương quan liên vùng, liên tỉnh để có chính sách xã hội phù hợp

TPHCM hiện đang có lợi thế hơn các địa phương khác khi thu hút lực lượng lao động trên cả nước, do vậy, tốc độ giá hoà dân số không nằm trong nhóm cao nhất. Nhưng áp lực của TPHCM là đảm bảo các điều kiện đời sống xã hội liên quan cho lực lượng lao động di cư đến Thành phố. Đây là nhóm đối tượng sẽ trở thành người già trong thời gian tới và có thể hồi hương về các địa phương. Trách nhiệm của TPHCM là tạo việc làm, đảm bảo thu nhập, tiếp cận an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ để nhóm lao động dân số vàng hiện nay có thể tích luỹ chuẩn bị cuộc sống độc lập khi về nhà, không để trở thành gánh nặng cho các địa phương khi họ hồi hương.

Ông Long dẫn ra bài học trong dịch COVID-19 vừa qua, những người từ TPHCM trở về các tỉnh đã tạo ra sức ép rất lớn cho địa phương, từ vấn đề chỗ ở, việc làm, hệ thống chăm sóc y tế… Do vậy khi phân tích vấn đề dân số phải đặt trong mối tương quan liên vùng, liên tỉnh để có chính sách xã hội phù hợp.

Một cuộc khảo sát được thực hiện với trên 2.000 người ở TPHCM, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hoá và An Giang cho thấy chỉ có 30% số người trong độ tuổi 30-44 có kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống về già. Số còn lại với những nguyên nhân khách quan như chưa đủ điều kiện kinh tế và quan trọng nhất vẫn là chưa sẵn sàng tâm thế đối với vấn đề này.

Số liệu khảo sát cũng cho thấy, nguồn thu nhập chính cho người già chủ yếu là từ hỗ trợ của con cái và việc làm hiện tại của người cao tuổi. Tỉ lệ người cao tuổi hưởng chế độ hưu trí còn thấp (23%) do tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong giai đoạn trước còn thấp...

PGS.TS Giang Thanh Long cho rằng, để nâng cao nhận thức và hành động đảm bảo thu nhập cho nhóm dân số trung niên khi về già, cần thực hiện nhiều chính sách. Đặc biệt ở 3 khía cạnh liên quan đến kinh tế bao gồm cải thiện chất lượng công việc, sức khoẻ, tham gia bảo hiểm xã hội, tích luỹ cho tương lai.

Băng Tâm

Top