“10 triệu dân nếu không có dự báo thì sẽ thường xuyên “giật mình”

02/08/2019 8:09 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/8, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội TPHCM chính thức đi vào hoạt động Giai đoạn 1, khẳng định quyết tâm với những bước đi cụ thể, thiết thực để xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội TPHCM. Ảnh: VGP/Thu Lê

Trung tâm Mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội TPHCM được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Nghiên cứu phân tích thông tin. Đây là một trong 4 trung tâm trụ cột thuộc Đề án đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, gồm Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm An toàn thông tin.

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM được UBND Thành phố giao chủ trì xây dựng Trung tâm Mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội với giai đoạn đầu là đơn vị trực thuộc Viện.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TPHCM, thời gian qua, Viện đã tiến hành trao đổi với các trung tâm dự báo trong và ngoài nước, kiểm định một số mô hình và chọn mô hình phù hợp nhất với nguồn dữ liệu được Cục thông kê TPHCM cung cấp từ năm 1976 đến nay. Trước mắt, Trung tâm sẽ đưa ra các mô hình mô phỏng, dự báo từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong giai đoạn này, Trung tâm dự kiến sẽ hoạt động ở nhiều mục tiêu chức năng như tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô phỏng.

Nghiên cứu, hệ thống hóa cơ sở lý luận, khoa học và thực nghiệm phục vụ xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô phỏng; xây dựng và từng bước hệ thống hóa các mô hình định lượng phục vụ phân tích, dự báo và mô phỏng đối với các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với một số vấn đề trong nước và quốc tế mà Thành phố quan tâm.

Công nghệ trực quan hóa dữ liệu được ứng dụng để phân tích dữ liệu, trình bày kết quả từ các mô hình định lượng và thực hiện các báo cáo của Trung tâm, các báo cáo theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện cung ứng dịch vụ tư vấn và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…

Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm tiếp tục xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động; kiện toàn đội ngũ nhân sự đảm bảo vận hành Trung tâm; tiếp tục phát triển đội ngũ chuyên trách, có năng lực đảm nhiệm công tác phân tích, dự báo và mô phỏng gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại.

Đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học và thực tiễn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ; cụ thể hóa các nhóm công việc về phát triển cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống các mô hình phân tích, dự báo, mô phỏng và thực hiện các ấn phẩm báo cáo kết quả nghiên cứu của Trung tâm.

Trung tâm còn thực hiện chức năng phát triển mạng lưới chuyên gia và tổ chức hợp tác về phân tích, dự báo và mô phỏng; trong đó, tăng cường hợp tác khoa học nhằm phát triển mạng lưới chuyên gia về phân tích, dự báo và mô phỏng…

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tại lễ cắt băng khánh thành Trung tâm. Ảnh: VGP/Thu Lê

Tại lễ khánh thành, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đô thị thông minh cho biết, TPHCM là địa phương đông dân và có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, “tải trọng lớn, bán kính lớn nên tăng tốc khó”. Vì vậy, muốn phát triển phải đi theo hướng đô thị thông minh.

“Tuy nhiên, hướng đi này đi kèm với những rủi ro, biến đổi rất khó dự báo, để tránh bế tắc, sai lầm, vai trò của Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Bởi một hệ thống 10 triệu dân nếu không có dự báo thì sẽ thường xuyên “giật mình”. Đây cũng là trung tâm đầu tiên trong số các trung tâm trụ cột của Đề án có quyết định thành lập sớm nhất”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, khác với những nội dung khác, tình hình kinh tế - xã hội rất khó mô phỏng, dự báo do chịu tác động của nhiều yếu tố, nhưng nếu làm được sẽ có cái nhìn trực quan, rõ ràng về kinh tế Thành phố trong ngắn hạn, hoặc 5 - 10 năm nữa sẽ phát triển như thế nào, trong điều kiện gì?

“TPHCM đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, nhưng có tới 2/3 là mua cổ phần của công ty có sẵn, mà không thành lập doanh nghiệp mới, nếu tiếp tục tình hình đó thì nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào? Hoặc cứ mỗi 5 năm TPHCM tăng thêm 1 triệu người, phải mô phỏng, dự báo thế nào để thấy được nhiều mặt tác động, từ đó đưa ra giải pháp thích hợp? Hay việc kêu gọi hợp tác vùng, cũng cần làm bài toán giả định trước xem Thành phố được mất ra sao?”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, có Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội mới xây dựng được Thành phố thông minh, nơi này không cần nhiều cơ sở vật chất mà chủ yếu cần chất xám từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tích luỹ và xử lý nguồn thông tin đa chiều, số lượng lớn.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin, thời gian tới Thành phố cũng có kế hoạch tăng kết nối và có chiến lược hợp tác với các trung tâm mô phỏng, dự báo trong nước và ngoài nước. 

Thu Lê

Top