Yếu tố nào để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo?

07/10/2019 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng tạo ngày nay có khả năng đem lại doanh thu trên phạm vi toàn cầu với tốc độ tính theo ngày, tháng. Do đó, Việt Nam muốn trở thành một điểm đến, một trung tâm đổi mới sáng tạo, tốc độ phải là yếu tố hàng đầu.

Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm trong thời gian qua. Cộng đồng quốc tế xem Việt Nam là “Software Development Hub” ở tầm khu vực Châu Á về gia công phát triển phần mềm.

Mục tiêu lâu dài của Việt Nam là trở thành trung tâm “Innovation Hub” khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ đã sẵn sàng cho nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, thay vì chỉ Outsource sản phẩm?

Các doanh nghiệp đang nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành điểm đến cho đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á.

Tốc độ, yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Bá Quỳnh - Phó Chủ tịch cấp cao Hitachi Consulting, Tổng giám đốc công ty Global CyberSoft, thành viên của Hitachi cho hay, nói về sáng tạo, thường là nói về công nghệ. Năm 2018, danh sách của BCG Innovation servey (The Boston Consulting Group) cho thấy, đa số những công ty sáng tạo hàng đầu thế giới là những công ty công nghệ.

Đáng chú ý, sáng tạo đang có tốc độ rất nhanh, ngày hôm nay là sáng tạo nhưng ngày mai có thể không còn là sáng tạo. Lấy ví dụ tại nước Mỹ, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, mất 70 năm để 50% hộ gia đình Mỹ trang bị điện thoại để bàn, nhưng nay Apple chỉ cần 4 năm để làm công việc tương tự với sản phẩm iPod.

Công nghệ mới, sản phẩm mới đang được đón nhận với tốc độ ngày một nhanh. Sáng tạo ngày nay có khả năng đem lại doanh thu trên phạm vi toàn cầu với tốc độ tính theo ngày, tháng. Do đó, Việt Nam muốn trở thành một điểm đến, một trung tâm đổi mới sáng tạo, tốc độ phải là yếu tố hàng đầu.

Theo Phó Tổng giám đốc KPMG Nguyễn Công Ái: Khảo sát gần đây của KPMG đối với hơn 300.000 doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp lớn, nhỏ hiện không còn quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ lại luôn có những giải pháp đột phá nhất, thu hút nhân tài giỏi nhất. Đây chính là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp được hỏi đều trả lời sẽ tăng đầu tư vào công nghệ, đặc biệt đầu tư vào chuyển đổi số, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI), internet of thing (IoT).

Ông Nguyễn Công Ái cho biết thêm, hiện thế giới đang thay đổi rất nhanh, và tốc độ chính là yếu tố quyết định, mang lại lợi thế cạnh tranh cho một doanh nghiệp.

Sáng tạo sản phẩm - chìa khóa trong cách mạng công nghiệp 4.0

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, gia công, nghiên cứu phát triển (R&D) hay làm sản phẩm mới - giải pháp riêng cũng chỉ là các dịch vụ khác nhau trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều công ty tại TPHCM đều có bước đi từ gia công để tích lũy kinh nghiệm, công nghệ, tài chính, thị trường… trước khi đầu tư vào làm sản phẩm.

Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng giám đốc TMA - một công ty phần mềm viễn thông hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với trên 2.400 kỹ sư và có khách hàng từ 27 nước, cho biết, nhờ làm việc với các tập đoàn công nghệ cao của thế giới nên đã được tiếp cận với các công nghệ mới nhất. Từ các công nghệ học hỏi và tích lũy được, TMA đã thành lập Trung tâm Sáng tạo TMA (TMA Innovation Center) theo mô hình vườn ươm trong doanh nghiệp (corporate incubator) để phát triển các sản phẩm và giải pháp mới dựa vào các công nghệ 4.0.

TMA đã triển khai trên 30 dự án về công nghệ 4.0 cho các khách hàng trong và ngoài nước và là số ít các công ty phần mềm tại Đông Nam Á có trên 300 kỹ sư làm về các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, Blockhain, IoT cho khách hàng Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật Bản, Úc trong các lĩnh vực viễn thông, điện tử, xe hơi, thương mại điện tử, y tế, dược phẩm, nông nghiệp.

Thành lập ở Việt Nam được 15 năm, LogiGear cũng là một công ty tiên phong trong việc nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm đóng gói hoàn chỉnh. Tập đoàn này coi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm như một bộ phận cấu thành của đổi mới sáng tạo (innovation leadership). Sản phẩm chiến lược của LogiGear, TestArchitect phiên bản dành cho doanh nghiệp, một công cụ kiểm thử phần mềm sử dụng công nghệ tự động hóa có khả năng kiểm thử đa nền tảng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dầu khí, an toàn - bảo mật, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp toàn diện (ERP), game và giải trí, sản xuất chế tạo,…

“LogiGear đang cung cấp công cụ kiểm thử tự động TestArchitect cho thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; sắp sửa công bố và tiếp thị sản phẩm mới TestArchitect Gondola ra thị trường toàn cầu trong năm 2019. Đây là công cụ giúp giải quyết các vấn đề về kiểm thử tự động đối với các phần mềm mô phỏng, điện toán đám mây và di động cho iOS và Android một cách hiệu quả, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí hơn cho các doanh nghiệp” ông Hung Q. Nguyen - CEO LogiGear chia sẻ.

Đại diện NashTech, một công ty công nghệ lớn tại TPHCM cũng cho biết, hiện nay các dự án NashTech làm với khách hàng không còn đơn thuần là outsourcing nữa. Các dự án NashTech đang làm với khách hàng đều xuất phát từ khâu tư vấn giải pháp và thực hiện giải pháp. Chiến lược của NashTech trong thời gian tới sẽ đầu tư phát triển năng lực công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, để nâng tầm công ty thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Không chỉ thế, công ty công nghệ này còn còn cho biết sẽ tập trung tìm kiếm và đầu tư cho các doanh nghiệp start-up phát triển sản phẩm công nghệ phục vụ cho thị trường.

Theo đại diện Liên minh Xuất khẩu Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Liên minh VNITO), hiện các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều giải pháp trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao… đang triển khai, thậm chí nhiều giải pháp được triển khai ở nước ngoài. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang nỗ lực cho nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, thay vì chỉ Outsource sản phẩm, qua đó, dần đưa Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật cho đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á.

Để phục vụ cho Hội nghị Phát triển Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2019 (Vietnam ITO Conference 2019) với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến cho Đổi mới Sáng tạo” vào ngày 23-24-25/10/2019 tới tại TPHCM, hiện các doanh nghiệp trong Liên minh VNITO đang tập hợp hàng trăm giải pháp mới, công nghệ mới để chuyển tới khách hàng tiềm năng của hội nghị.

Ngọc Tấn

Top