Việt Nam xếp thứ 2 châu Á về tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp

08/03/2019 7:18 AM

(Chinhphu.vn) - Trong nghiên cứu mới công bố của Hãng tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp cao thứ 2 ở Châu Á.

Ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia vào vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp - Ảnh: Vnexpress.net

Tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp trên toàn thế giới đã tăng từ mức 24% năm 2018 lên mức 29% vào năm 2019. Cho dù tốc độ này có xu hướng chững lại nếu xét trong cả giai đoạn 15 năm vừa qua, nhưng điều đáng khích lệ là một nửa thành tựu đó lại mới đạt được trong 12 tháng gần đây.

Và khu vực Châu Á trở thành tâm điểm với những nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, mức độ mở cửa và hội nhập sâu rộng. Theo đó, với 37%, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp cao thứ hai ở Châu Á, chỉ sau Philippines (37,5%), và hơn hẳn Singapore (33%) lẫn Indonesia (31,85%)…

Một điểm gây ngạc nhiên khác là sự trỗi dậy của đội ngũ nữ quản lý doanh nghiệp nói chung cũng thể hiện rõ nhất ở các khu vực đang có nhiều nền kinh tế chậm phát triển hơn như Châu Phi hay Asean.

Cụ thể, trong khi “lục địa già” Châu Âu chỉ có khoảng 81%-85% doanh nghiệp có sự góp mặt của phụ nữ ở lực lượng lãnh đạo thì Châu Phi và Đông Nam Á lại cùng dẫn đầu với sự hiện diện của nữ giới tại 94% doanh nghiệp. Việt Nam cũng là nơi có tỷ lệ doanh nghiệp được phụ nữ tham gia quản lý cao hơn mặt bằng chung của Đông Nam Á (95%).

Cũng theo khảo sát trên, bốn vị trí quản lý hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp là giám đốc tài chính (36%), giám đốc điều hành (30%), giám đốc nhân sự (25%) và giám đốc marketing (25%).

Tuy nhiên, nghiên cứu của Grant Thornton đồng thời cũng đã cho thấy vẫn còn một số rào cản đối với nữ giới là quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam nếu muốn trau dồi thêm kỹ năng và đạt tới thành công trong sự nghiệp. Điển hình nhất là thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp so với mức trung bình chung của toàn cầu. Trong khi đó, trách nhiệm chăm sóc gia đình bên cạnh công việc lại lớn hơn rất nhiều so với những người “đồng cấp” trên toàn thế giới.

“Nữ giới sẽ hiện diện ở các vị trí cấp cao ngày một nhiều hơn nếu doanh nghiệp đặc biệt lưu tâm tới các vấn đề như: chính sách về bình đẳng giới trong phát triển nghề nghiệp, sự công bằng trong tuyển dụng và giờ giấc làm việc linh hoạt. Khi những chủ trương này được thực hiện nghiêm túc nghĩa là doanh nghiệp đã đạt tới nền văn hóa hội nhập đích thực”, ông Kenneth Michael Atkinson - Chủ tịch công ty Grant Thornton Việt Nam - nhận định thêm.

Phương Hiền

Top