Việt Nam còn nhiều việc phải làm để lọt top 4 ASEAN về Chính phủ điện tử

17/09/2020 2:29 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến để tạo lập một môi trường minh bạch, hiện đại, tiện ích cho nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tuy nhiên đây là một hành trình dài đòi hỏi nỗ lực đồng bộ, nhất là vai trò dẫn dắt của các địa phương. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử năm 2020 diễn ra sáng ngày 17/9 tại TPHCM.

Hội thảo năm nay có chủ đề Phát triển Chính phủ điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến, hướng đến Chính phủ số - mô hình và giải pháp công nghệ, diễn ra trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công, thể chế đi trước để tạo hành lang pháp lý; lấy cải cách để dẫn dắt, công nghệ thông tin làm công cụ, và phải coi người dùng làm trung tâm.

Tại Việt Nam, với những hạn chế về hạ tầng, công nghệ và con người, thì đây sẽ là một chặng đường rất dài, khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm chính trị lớn, thống nhất về quan điểm chỉ đạo, thì mục tiêu đến năm 2025 nước ta lọt top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN, và nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về CP điện tử sẽ không xa.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng việc triển khai dịch vụ công cung cấp cho người dân, DN cũng là vấn đề Chuyển đổi số trong quan hệ giữa Nhà nước với người dân và DN. Mỗi một dịch vụ công trực tuyến tích hợp rất nhiều cơ quan khác nhau. Do vậy cần có sự phối hợp, cùng nhau bàn tìm ra giải pháp tối ưu. Văn phòng các địa phương phải có trách nhiệm dẫn dắt cải cách, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn dắt về công nghệ và kết nối kỹ thuật.

Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh yếu tố lấy người dùng làm trung tâm. Tất cả những thủ tục mà nhiều người sử dụng, tần suất lớn thì phải tập trung ưu tiên, tái cấu trúc quy trình thực hiện và để người dân trải nghiệm trước khi áp dụng chính thức.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. TP sẵn sàng mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu, thông tin giúp người dân và DN sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị nhiều mặt. Bằng cách tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung sẽ tiếp cận và khai thác, phát huy thế mạnh cũng như cùng đóng góp cho sự phát triển của TP nói và cả nước nói chung.

TPHCM cũng sẽ triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của Thành phố nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số và đáp ứng mục tiêu chiến lược xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh. Trong từng lộ trình, TPHCM đều nhất quán lấy người dân và DN làm trung tâm cải tiến quy trình dịch vụ của các cơ quan Nhà nước, mục đích cuối cùng để phục vụ người dân và DN một cách tốt nhất.

Tính đến tháng 8/2010, cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trên 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, đạt trên 60 triệu lượt truy cập. Nhiều giải pháp thúc đẩy hạ tầng công nghệ cũng được đưa ra để hỗ trợ việc chuyển đổi sang mô hình CP điện tử. Theo xếp hạng phát triển CP điện tử của Liên Hợp quốc thì Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 tại Châu Á, và 6/11 tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử thì còn có rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.

Băng Tâm

Top