Vì sao người dân TPHCM không mặn mà với BHXH tự nguyện

16/06/2020 6:29 PM

(Chinhphu.vn) - Qua 5 tháng đầu năm 2020, TPHCM chỉ thu hút được 1.300 người tham gia BHXH tự nguyện.

Thiệt thòi về quyền lợi

Chị Nguyễn Thị Thu Ánh, 28 tuổi, ở phường Long Trường, quận 9 dự tính sinh thêm bé thứ hai. Là lao động tự do, thu nhập không ổn định và chưa tham gia BHXH nên chị Ánh biết rằng kinh tế sẽ khó khăn khi có thêm một em bé. Chủ động tìm đến cơ quan BHXH quận 9 để tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, chị Ánh tính toán sau một năm nữa sinh em bé thì chị sẽ được hưởng chế độ BHXH cho thai sản. Tuy nhiên, qua tư vấn của nhân viên BHXH, chị Ánh hụt hẫng khi biết chính sách BHXH tự nguyện không có chế độ thai sản.

Được biết, rất nhiều người trong độ tuổi lao động tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện vì mong muốn hưởng chế độ thai sản như chị Ánh. Và sự thiệt thòi về quyền lợi như vậy được cho là nguyên nhân chính khiến việc phát triển BHXH tự nguyện ở các quận, huyện gặp khó khăn, số người tham gia rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng ban Ban văn hóa xã hội HĐND Thành phố sau khi khảo sát tình hình BHXH trên địa bàn Thành phố đã bày tỏ: “Tới đây điều chỉnh thế nào để chính sách thực sự hấp dẫn với người tham gia BHXH tự nguyện. Chúng tôi đi các quận, huyện thì người ta cũng nói giờ luật vậy, chúng tôi tuyên truyền vậy, sao nghe tỉ lệ thấp quá”.

Trong 12 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện thì TPHCM luôn gặp khó khăn trong việc phát triển số người tham gia. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH Thành phố cho biết, Thành phố hiện có 17.400 người tham gia BHXH tự nguyện. Con số này rất thấp so với đối tượng BHXH bắt buộc, trên 2,3 triệu người. Trong khi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong độ tuổi lao động đạt mức cao nhất cả nước, 53%, nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì TPHCM đứng cuối bảng.

“Đây là điều hết sức vô lí. TPHCM là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội phát triển tốt nhất cả nước nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện lại thấp nhất. Mấy năm nay chúng tôi dùng rất nhiều giải pháp rồi nhưng chưa đẩy lên được”, ông Mến băn khoăn.

Năm 2019 Thành phố phát triển được 13 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, kết quả này bằng cả 9 năm Thành phố triển khai chính sách BHXH tự nguyện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

“Vừa rồi chúng tôi phối hợp cùng bưu điện mở đợt ra quân vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong ngày đó cũng chỉ phát triển được 514 người, trong khi toàn quốc phát triển được 24 ngàn người. Đây là do tâm lí, tư tưởng của người dân Thành phố, không mặn mà, thiết tha với chính sách BHXH tự nguyện. Một là do thời gian đóng kéo dài, số thu chưa linh hoạt, hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều, đặc biệt là chế độ chính sách cho người tham gia tự nguyện chưa bình đẳng so với đối tượng bắt buộc. BHXH bắt buộc có 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Nhưng BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất mà đóng lên tới 22%, thời gian kéo dài 20 năm. Như vậy rất khó thu hút”, ông Mến giải thích.

Trao tặng sổ BHXH tự nguyện cho hộ nghèo huyện Cần Giờ. Ảnh: BHXH TPHCM

Cần tăng thêm chế độ

Hiện nay, Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong thủ tục hành chính khi giao dịch với cơ quan BHXH. Đối với hộ nghèo, BHXH Thành phố tặng sổ BHXH tự nguyện 12 tháng…

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Phan Văn Mến cho biết, phải đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, tăng quyền lợi, mở rộng phạm vi chế độ của người lao động được hưởng so với hiện nay theo hướng linh hoạt, thêm các gói BHXH tự nguyện gắn với các chế độ tự nguyện. Ông Mến muốn chính sách BHXH tự nguyện mở rộng hết đủ 5 chế độ, thêm cả chế độ ốm đau, thai sản và bệnh nghề nghiệp. Mức đóng cũng linh hoạt theo từng gói, từng mức.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng chia sẻ, việc người lao động tự do duy trì khoản đóng hàng tháng trong ít nhất 20 năm là nỗ lực rất lớn, nhưng họ chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất là không công bằng. Ông Lợi đề xuất tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì hưởng luôn thẻ BHYT; đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau để tăng tính hấp dẫn.

Được biết để kích cầu người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ hoặc linh hoạt hơn mức hỗ trợ có thể bằng 30%, 25%, 10% để các địa phương lựa chọn mức hỗ trợ một phần cho người tham gia BHXH tự nguyện tùy theo điều kiện của địa phương mình. Cùng với đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương.

Cùng với khó khăn trong phát triển BHXH tự nguyện thì những tháng đầu năm 2020, BHXH Thành phố ghi nhận sự giảm sút nghiêm trọng đối tượng tham gia BHXH do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp cho người lao động hưởng không lương. Chúng tôi phân ra các nhóm, thứ nhất nhóm dệt may dừng đóng gần như toàn bộ; hay một số đơn vị giày da, gia công giày xuất khẩu cũng giảm lao động nhiều. Thứ hai là nhóm nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú. Thứ ba là nhóm vận tải hành khách, hàng hóa cũng ảnh hưởng, đặc biệt là vận tải ô tô, vận tải hàng không. Đến đầu tháng 6 thì vận tải ô tô bắt đầu tăng lại, nhưng hàng không thì báo đóng BHXH trở lại chưa đến 70%.

Nhóm thứ tư là giáo viên, bảo mẫu các cơ sở mầm non ngoài công lập. Nhóm này, số lao động tham gia BHXH chiếm khoảng 60%, còn lại đến 40% chưa được đóng BHXH, coi như các trường đang trốn đóng. Chúng tôi đang phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, thông qua Liên đoàn Lao động thống kê cụ thể thông qua mùa Covid-19, yêu cầu phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, không thì chuyển sang BHXH tự nguyện.

Băng Tâm

Top