Vì sao người dân TPHCM chưa muốn lắp đặt điện mặt trời?

18/07/2019 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Chiều 17/7, Sở Công thương TPHCM tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển năng lượng xanh và tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2030 và hiện trạng triển khai tại TPHCM”. Khai mạc Vietnam ETE & Enertec Expo 2019

Trên thị trường hiện có nhiều hãng cung cấp thiết bị điện mặt trời áp mái. Nhà nước cần sớm có những tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng để người dân yên tâm sử dụng. Ảnh: Điện lực TPHCM

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, thời gian qua, TPHCM đã và đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả kết hợp tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Thành phố cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác, xúc tiến đầu tư, tìm giải pháp phát triển nguồn cung ứng năng lượng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vy, Quyền Trưởng ban kinh doanh, Tổng công ty Điện lực TPHCM, thách thức trong phát triển năng lượng thân thiện với môi trường mà cụ thể là phát triển điện mặt trời ở TPHCM đó là chi phí lắp đặt hiện vẫn còn cao nên chưa khuyến khích khách hàng sử dụng điện đầu tư.

Cùng với đó, khách hàng còn e ngại, chưa muốn đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà bởi trên thị trường có quá nhiều nhà cung cấp thiết bị khác nhau nhưng chất lượng không được đảm bảo, nhất là xuất xứ và chế độ bảo hành không rõ ràng.

Ngoài ra, việc Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ hay ưu đãi về vay vốn và chi phí lắp đặt điện mặt trời cho người dân; chưa có quy định pháp lý cho bên thứ ba tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cũng là lý do làm hạn chế việc phát triển loại hình năng lượng tái tạo này.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng lượng, thuộc Viện Năng lượng - Bộ Công thương, cường độ năng lượng (lượng năng lượng cần sử dụng trên một đơn vị GDP) của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với những quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… Điều này cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn trong việc ổn định nguồn năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, Việt Nam cần giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, chuyển đổi nhiên liệu để mang lại lợi ích kinh tế và phát triển kinh tế xanh.

Đại diện Bộ Công thương, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, để khuyến khích toàn xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vào tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, chương trình được xây dựng nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế trong triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, đưa vấn đề tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Lê Anh

Top