Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” tham gia xử lý rác?

05/06/2019 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đến nay , TPHCM vẫn chưa chọn được nhà đầu tư dự án xử lý, biến rác thành điện, mặc dù khi tổ chức hội nghị kêu gọi, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Đến năm 2020, TPHCM muốn giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50% và đến năm 2025 còn 20%.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 5/2019 của TPHCM diễn ra mới đây cho biết, 5 tháng đầu năm, thành phố  đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình trọng tâm như: nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ đường Trần Não đến đường Nguyễn Thị Định), quận 2; xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân); xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2)...

Đối với Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã triển khai thi công đạt 63,9% và đang điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư) đảm bảo hoàn thành đưa dự án vào khai thác năm 2020; tuyến Metro số 2 cũng đang điều chỉnh tổng mức đầu tư. Sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo để sớm khởi công và hoàn thành đưa dự án vào năm 2024.

Hiện thành phố đã thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh của 02 dự án (Tuyến Metro số 1 và số 2) và đang yêu cầu các Sở - ngành, đơn vị liên quan cử nhân sự tham gia hội đồng.

Với Bến xe Miền Đông mới, tiến độ thực hiện các hạng mục của công trình đã cơ bản hoàn tất, dự kiến thời gian đưa Bến xe Miền Đông mới vào khai thác là ngày 15/8 năm nay.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, hàng tuần Tổ công tác về đầu tư của TPHCM (do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng, các giám đốc sở là thành viên) sẽ họp để giải quyết những vướng mắc.

Về triển khai dự án xử lý, biến rác thành điện đã được thành phố tổ chức mời gọi đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, đến nay dự án này vẫn chưa chọn được nhà đầu tư, mặc dù khi tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án, nhiều doanh nghiệp hào hứng tham dự. Trong khi hiện mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 8.900 tấn rác sinh hoạt, chưa kể lượng rác công nghiệp, rác thải y tế.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng, dự án bị chậm trễ do quy trình đấu thầu phải chặt chẽ, qua nhiều bước, dù rút gọn vẫn  còn 541 ngày. Đáng chú ý, khi mở thầu có 10 đơn vị tham gia nhưng sau đó các doanh nghiệp rút lui hết, vì cho rằng giá xử lý rác chưa phù hợp.

Dự kiến đầu tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cung cấp thông tin để các nhà đầu tư nộp hồ sơ sơ tuyển để mở thầu lại... Như vậy, phải đến quý 2/2020 mới có thể chọn được đơn vị trúng thầu.

Lê Anh

Top