Vì sao cầu Nguyễn Khoái chậm khởi công?

05/12/2019 8:01 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù TPHCM đã có kế hoạch triển khai xây dựng cầu Nguyễn Khoái nối Quận 7 và Quận 4 trước Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được khởi công.

Các đại biểu HĐND TPHCM tiếp xúc cử tri Quận 4. Ảnh: Thu Lê

Chiều 4/12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng các đại biểu HĐND TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri Quận 4.

Tăng vốn xây cầu Nguyễn Khoái hơn 1.000 tỷ đồng

Nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, chia sẻ áp lực giao thông với cầu Kênh Tẻ và đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực, TPHCM đã có kế hoạch khởi công xây dựng cầu Nguyễn Khoái nối Quận 7 và Quận 4 trước Tết Nguyên đán 2020.

Cầu Nguyễn Khoái là cây cầu thứ 2 bắc qua Kênh Tẻ. Dự kiến dự án có tổng chiều dài 1.000 m, bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (Quận 7) và điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (Quận 4). Theo kế hoạch, tổng số vốn đầu tư vào dự án này là 1.250 tỷ đồng.

Tại buổi tiếp xúc chiều ngày 4/12, nhiều cử tri đặt câu hỏi về thời gian khởi công cầu Nguyễn Khoái.

Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Quận 4, cho biết, theo kế hoạch ban đầu, cầu Nguyễn Khoái sẽ kết nối Quận 7 và Quận 4, tuy nhiên nhận thấy hướng đi này không giải quyết hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông, lại có thể tạo thêm điểm ùn tắc mới ở Quận 4. Vì vậy, UBND Quận 4 đã kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu, xem xét và báo cáo Thành phố phương án thay đổi, nối Quận 7 với Quận 1 từ trên cao và có đường nhánh dẫn xuống Quận 4. “Phương án này giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông nhưng kinh phí tăng lên khoảng 1.000 tỷ, các cơ quan chức năng đang khẩn trương trình phương án, sau khi UBND Thành phố chuẩn y sẽ thông tin rộng rãi tới người dân”, ông Quân cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, để đưa ra phương án điều chỉnh cầu Nguyễn Khoái, “không phải Quận 4 kiến nghị mà Thành phố thay đổi ngay” mà phải thông qua hội đồng gồm các chuyên gia kỹ sư tư vấn vì phương án này tuy có hiệu quả hơn, giảm ùn tắc đáng kể nhưng lại mất thêm thời gian, tăng kinh phí, từ dự án nhóm B chuyển sang nhóm A, thẩm quyền quyết định khác nhau. Bên cạnh thay đổi thiết kế còn phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đấu thầu tư vấn… thì mới đủ thủ tục, trình tự để tiến hành. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Dự án này chắc chắn làm và phải làm để đồng bộ với nhiều dự án sắp triển khai trong thời gian tới như mở rộng nhà ga Tân Sơn Nhất, mở rộng tuyến đường Quận 1…”.

Không cổ phần hoá Sawaco

Từ sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà, cử tri Huỳnh Văn Trí (Phường 10, Quận 4) bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn nguồn nước sinh hoạt tại các thành phố, nhất là thành phố lớn, đông dân cư, mạng lưới sông ngòi chằng chịt như TPHCM.

Theo ông Trí, hiện nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Thành phố chủ yếu từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, tuy nhiên, phần chảy qua TPHCM chỉ là phần nhỏ của hạ lưu. Có những sự cố ở đầu nguồn: ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông…, khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của Thành phố là rất lớn.

Từ đó, cử tri Huỳnh Văn Trí đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp chủ động phòng ngừa, quan tâm xây dựng các hồ điều tiết, bể chứa nước ngầm trong nội thị nhằm bảo đảm cấp nước an toàn. Thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các công ty, doanh nghiệp xử lý chất thải, tránh tình trạng vì lợi nhuận trước mắt, vô trách nhiệm, đổ trộm chất thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến cho biết, hiện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) là đơn vị cung cấp nước sạch cho TPHCM và Thành phố đã biểu quyết, cam kết cung cấp 100% nước sạch cho người dân. “Sawaco là công ty 100% vốn Nhà nước, Thành phố chủ trương không cổ phần hoá. Không phải Thành phố không tin vào năng lực của tư nhân mà nếu cổ phần hoá vấn đề bảo đảm an ninh nước sạch sẽ khó thực hiện”.

Mới đây, lần đầu tiên Sawaco tăng giá nước sau 7 năm để có điều kiện đầu tư, cải tạo hệ thống cung cấp nước đã cũ kỹ. Công ty cũng đã chi 3.000 tỷ để cải tạo hệ thống cung cấp nước ở các quận trung tâm.

Xin lùi thời gian triển khai xắp xếp lại các đơn vị hành chính

Trả lời cử tri Quận 4 về phương án sáp nhập các phường thuộc một số quận trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính là thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, tất cả các địa phương đều làm và phải làm sớm. Tuy nhiên, hiện tại các khu phố đang chuẩn bị Đại hội, sắp tới là các phường, xã, quận, huyện. Vì vậy, Thành phố sẽ bàn bạc và báo cáo với Bộ Nội vụ xin lùi lại thời gian sáp nhập sau Đại hội Đảng bộ các quận, huyện vào năm 2020.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho hay, từ nay tới thời điểm đó, mọi công việc, thủ tục, phương án nhân sự… chuẩn bị cho sáp nhập vẫn phải được tiến hành.

Thu Lê

Top