TPHCM tập trung mọi nguồn lực ứng phó với bão số 9

23/11/2018 3:16 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa gửi công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động ứng phó với bão số 9 và mưa lũ nhằm giảm tối đa các thiệt hại do bão gây ra. Theo đó, công tác di dời dân tại những nơi nguy hiểm phải hoàn thành trước 12h ngày 24/11.

Dự báo hướng đi của bão số 9. Đồ hoạ: Nhân Lê/news.zing.vn

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện, phường – xã – thị trấn tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo để chủ động có phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh đến rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Các sở, ngành, đơn vị và UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác ứng phó bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Thành phố và địa phương sẽ hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9.

UBND các quận, huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ và Nhà Bè được giao nhiệm vụ tập trung tổ chức di dời các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, tại khu vực xung yếu đến các địa điểm kiên cố, an toàn; đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình di dời dân. Các địa phương cũng phải tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân; tổ chức chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tại nơi tạm cư trong quá trình tránh bão số 9. Công tác di dời dân phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 24/11/2018.

Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao (huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 2…) có trách nhiệm tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, du dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Các địa phương được yêu cầu chủ động tổ chức thu hoạch và bảo vệ khu nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại đối với lồng bè, chòi canh, sổ đáy, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, sở đáy, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản nếu bão đổ bộ vào nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có.

UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Công tyTNHH MTV Công viên cây xanh khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát lại hệ thống cây xanh đô thị để chặt tỉa, đốn hạ nhánh cây, thân cây để đảm bảo an toàn nếu xảy ra mưa, bão. Các đơn vị này cũng có trách nhiệm xử lý ngay các trường hợp cây ngã đổ trong mưa bão để đảm bảo an toàn cho người dân, giao thông thông suốt.

Việc rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng, công trình cao tầng, chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm, công trình cột tháp cao, công trình đang thi công nhất là giàn giáo, cần trục tháp…

Ngành giáo dục – đào tạo phải chủ động phương án để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên.

Ngoài ra các đơn vị khác cũng được giao nhiệm vụ phối hợp để ứng phó và kịp thời xử lý tình huống nếu bão đổ bộ vào thành phố nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đến sáng mai (24/11), vị trí tâm bão cách Phan Rang, Ninh Thuận khoảng 150 km, cách Thành phố Vũng Tàu khoảng 300km với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh van biển Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3./.

Gia Mỹ

Top