TPHCM tăng thêm 1,8 triệu người trong 10 năm

11/10/2019 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn từ 2009-2019, TPHCM tăng thêm 1,8 triệu người, là thành phố đông dân nhất, chiếm tỷ trọng 9,35% dân số cả nước và 50,44% dân số vùng Đông Nam Bộ, đặt ra những áp lực không nhỏ về các vấn đề nhà ở, an sinh xã hội, môi trường…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 11/10, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, Tổng điều tra năm 2019 được thực hiện trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, cùng với cả nước, Thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin trong tất các công đoạn của Tổng điều tra, từ việc thu thập thông tin, kiểm sửa logic tới tổng hợp dữ liệu.

Từ đó, chất lượng thông tin được nâng cao thông qua các ứng dụng được thiết lập như định vị GPS cho các hộ được điều tra, giám sát thời gian thu thập, đồng thời, tránh tình trạng bó sót câu hỏi như phiếu giấy, các lỗi logic được phát hiện và xã minh thông tin ngay tại hộ… Dữ liệu thu thập được lưu trữ và đồng bộ lên hệ thống mạng, nhanh chóng truyền tải đến cơ sở dữ liệu chung. Vì vậy, thời gian tổng hợp và công bố dữ liệu được rút ngắn hơn 1 năm so với đợt Tổng điều tra năm 2009, kịp thời phục vụ việc đánh giá và hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, trải qua 10 năm, quy mô dân số Thành phố tăng với tốc độ chậm so với giai đoạn 10 năm trước, trình độ dân trí được cải thiện. Thành phố đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư được cải thiện rõ rệt, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng điều tra, dân số TPHCM vào thời điểm 0h ngày 1/4/2019 là 8.993.082 người, trong đó dân số nam là 4.381.242 người (chiếm 48,7%), dân số nữ là 4.611.840 người (chiếm 51,3%).

Mười năm qua, quy mô dân số của Thành phố tăng thêm 1,8 triệu người, với tốc độ tăng bình quân là 2,28%/năm, tương đương tăng khoảng 183.000 người/năm. Trong đó tốc độ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thông là 4,47%/năm so với khu vực thành thị là 1,77%/năm, cao gấp 2 lần mức tăng bình quân chung của cả nước (1,14%) cho thấy tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực nông thôn của Thành phố.

TPHCM là thành phố đông dân nhất, chiếm tỷ trọng 9,35% dân số cả nước và 50,44% dân số vùng Đông Nam Bộ. Dân số thành thị là 7.125.497 người (79,23%); dân số nông thôn là 1.867.585 người (chiếm 20,77%).

Phân bố dân số không đều, mật độ dân số là 4.292 người/km2, tăng 874 người/km2, so với năm 2009. Đa số các quận đều ở trên mức độ mất an ninh về mật độ dân số (theo khuyến nghị của quốc tế mức mất an toàn là trên 8.000 người/km2).

TPHCM là nơi hội tụ đầy đủ 52 dân tộc sinh sống và làm việc, đông nhất là dân tộc Kinh 8.523.173 người (chiếm 94,8%) và các dân tộc khác là 469.909 người (chiếm 5,2%).

Tỷ số giới tính 95 nam/100 nữ, trong khi cả nước 99,1 nam/100 nữ, theo nhiều kỳ điều tra, tỷ số này luôn thấp so với cả nước. Trình độ dân trí được cải thiện, thể hiện ở việc TPHCM có 92,9% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học và tỷ lệ biết đọc biết viết cảu dân số từ 15 tuổi trở lên là 99%.

Tính đến thời điểm 0h ngày 1/4/2019, Thành phố có 2.558.914 hộ dân cư, tăng 734.092 hộ so với năm 2009, tốc độ tăng hộ giai đoạn 2009-2019 là 40,23%, bình quân mỗi năm tăng 3,38% thấp hơn 2,47 điểm phần trăm so với bình quân giai đoạn 1999-2009.

Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,51 người thấp hơn 0,42 người/ hộ so với năm 2009, quy mô hộ dân cư có chiều hướng giảm phổ biến từ 2-4 người (chiếm 66, 4%), thể hiện xu hướng tất yếu của đời sống hiện đại, là một trong những điều kiện thuận lợi để hộ phát triên kinh tế, nâng cao đời sống.

Trong tổng số hơn 2,5 triệu hộ dân cư, hầu hết đang sống trong các ngôi nhà nhà bán kiên cố và kiên cố (chiếm 99,3%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 19,4m2/người, cao hơn 2,47m2/người so với 10 năm trước. Tuy nhiên vẫn còn trên 188.000 hộ sống trong các diện tích chật hẹp dưới 6m2; 39 hộ không có nhà ở.

Ông Huỳnh Văn Hùng thông tin, dự kiến kết quả chính thức của cuộc Tổng điều tra trên toàn Thành phố sẽ được công bố vào tháng 12/2019, các chuyên đề phân tích chuyên sâu cũng sẽ được hoàn thiện và sớm ra mắt vào quý IV năm 2020.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết: “Hiện nay cứ mỗi 5 năm Thành phố lại tăng thêm 1 triệu người. Các Quận Bình Tân, Bình Chánh 15 năm trước khi chưa chia tách chỉ có khoảng 600 nghìn dân, nay cộng lại đã hơn 1,5 triệu người, cho thấy những áp lực không nhỏ của vấn đề dân cư, nhà ở, an sinh xã hội… mà Thành phố phải đối mặt trong thời gian tới”.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM nhận định, những kết quả của cuộc Tổng điều tra lần này là chuỗi số liệu hết sức có ý nghĩa sẽ được lồng ghép nhằm đáp ứng yêu cầu biên soạn một số chỉ tiêu thống kê phản ánh những vấn đề mới nổi hoặc quan trọng trong lĩnh vực dân số và nhà ở trên địa bàn Thành phố; phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở để đánh giá lại kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 10 năm tiếp theo giai đoạn 2021-2030.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Vũ Thanh Liêm đánh giá cao nỗ lực của TPHCM để thực hiện tốt cuộc điều tra dân số và nhà ở, nhất là khi Thành phố có địa bàn rộng, dân cư đông và nhận thức không đồng đều về tầm quan trọng của cuộc điều tra.

Theo Phó Tổng Cục trưởng, để khiến những con số “biết nói”, TPHCM nên thực hiện thêm nhiều ấn phẩm chuyên đề riêng để phục vụ công tác quản lý, đồng thời kho dữ liệu của Thành phố phải được công khai cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Thu Lê

Top