TPHCM: Sắp có hai tuyến “buýt” đường thủy

16/07/2015 3:01 PM

(Chinhphu.vn) - Sở GTVT TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố về việc phê duyệt Đề án xây dựng hai tuyến vận chuyển hành khách công cộng đô thị đường sông theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOO).

TPHCM sắp có hai tuyến “buýt” đường thủy. Ảnh minh họa

Đề án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng đường thủy trong khu vực đô thị, hỗ trợ hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải; góp phần phát triển hoạt động du lịch đường thủy; xây dựng diện mạo mới cho bộ mặt, cảnh quan đô thị. Trong tương lai Đề án sẽ mở ra hướng phát triển một phương thức vận chuyển hành khách mới bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố.

Theo Sở GTVT, TPHCM với lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải hơn 1.000km, thuận lợi và có tiềm năng rất lớn trong hoạt động vận tải hành khách và phát triển du lịch bằng đường thủy.

Việc đầu tư xây dựng hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là vào thời gian cao điểm.

Theo dự thảo Đề án, phạm vi triển khai dự án là khu vực thuộc vùng nội đô trung tâm Thành phố, đi qua các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.

Các tuyến đề xuất gồm: Tuyến số 1- Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức) và Tuyến số 2- Bạch Đằng (quận 1) đi Lò Gốm (quận 6).

Cụ thể, tuyến số 1 dài khoảng 10,8 km, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc và khu du lịch. Lộ trình tuyến: Từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông-Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới, với 7 bến đón trả hành khách tại khu vực bến Bạch Đằng-quận 1, khu vực Sài Gòn Pearl-quận Bình Thạnh, khu vực phường Bình An-quận 2,  khu vực Thảo Điền-quận 2, khu vực Tầm Vu-quận Bình Thạnh, khu vực Thanh Đa-quận Bình Thạnh, khu vực Bình Triệu-quận Thủ Đức, khu vực Hiệp Bình Chánh-quận Thủ Đức và khu vực Linh Đông-quận Thủ Đức.

Tuyến số 2 dài 10,3 km, đi qua khu vực nội thị với mật độ dân cư dọc tuyến rất cao. Lộ trình tuyến: Từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, Quận 6 và ngược lại, với 7 bến đón trả hành khách tại khu vực bến Bạch Đằng-quận 1, khu vực Nguyễn Thái Bình, Calmette-quận 1, khu vực Khánh Hội-quận 4,  khu vực Cầu Chữ Y, Chợ Hòa Bình, cầu Nguyễn Tri Phương-quận 5, khu vực Bình Đông, cầu Chà Và-quận 8, khu vực Bình Tây-quận 6, khu vực chùa Long Hoa-quận 8 và khu vực Lò Gốm-quận 6.

Kế hoạch trong giai đoạn từ nay đến 2020, dự kiến sẽ đầu tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ. Ở giai đoạn tiếp theo, tùy thuộc vào lượng hành khách trên tuyến, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.

Theo kiến nghị từ Công ty Thường Nhật (Daily Express) – đơn vị được Thành phố chấp thuận lập đề xuất đầu tư dự án, tổng số vốn đầu tư cho cả hai tuyến buýt đường sông dự kiến tối thiểu khoảng 58 tỉ đồng, trong đó Công ty Thường Nhật đầu tư tàu thủy và bến đa chức năng với tổng vốn 46 tỉ đồng, phần còn lại do Thành phố đầu tư.

Trong giai đoạn 1, đơn vị sẽ đầu tư loại tàu 80 ghế cho cả hai tuyến. Mỗi tuyến sẽ có 4 chiếc (kinh phí 3,5 tỉ đồng/chiếc). Cứ 15 phút sẽ có 1 chuyến khởi hành vào giờ cao điểm (từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ) và dãn cách ra lúc thấp điểm. Sau khi tính toán chi phí, giá vé đề xuất là 15.000 đồng/vé trọn lộ trình.

Công ty Thường Nhật cho biết, do giá vé “buýt” đường sông cao hơn xe buýt 4-5 lần nên đối tượng hành khách mà “buýt” đường sông nhắm tới là tầng lớp có thu nhập trung bình khá, chủ yếu là những công ty có văn phòng làm việc tại trung tâm Thành phố.

Phan Hoàng

Top