TPHCM nửa thế kỷ thực hiện 9 công việc lớn theo Di chúc Bác Hồ

01/09/2019 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - 50 năm trước, n gày 2-9-1969, Bác Hồ “ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Người vào cuộc trường sinh, nhập cõi vĩnh hằng, đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử.

Hội nghị Hiệp thương chính trị tại Hội trường Thống nhất (tháng 11-1975). Ảnh Tư liệu

Đó không chỉ là “muôn vàn tình thân yêu” của Bác, mà còn là những hoài bão lớn lao, những căn dặn thiết thực của Người về chiến lược phát triển đất nước. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ngay trong tháng 9 năm ấy tổ chức đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt thực hiện theo Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nửa thế kỷ qua đã có 9 công việc lớn hoàn thành.

Một là, thực hiện “quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”

Những năm 1969-1975, quân dân Sài Gòn - Gia Định cùng toàn miền vượt qua nhiều khó khăn ác liệt, phối hợp đấu tranh chính trị và quân sự,đẩy mạnh phong trào đô thị, làm cho Đô thành của chế độ thực dân mới luôn sôi động phong trào đấu tranh của các nghiệp đoàn, các tổ chức quần chúng, các giới phụ nữ, trí thức, thanh niên, công nhân, tiểu thương, ký giả, sinh viên học sinh và nhiều tầng lớp khác chống chiến tranh, chống chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu, đòi hòa bình, dân sinh dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Paris, đòi hòa hợp dân tộc… Mùa xuân 1975, quân dân Sài Gòn - Gia Định cùng cả nước thực hiện tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; ngày 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, hoàn thành lời căn dặn của Bác: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Hai là, thực hiện điều Bác dặn “Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”

Từ ngày 15 đến 21-11-1975, TPHCM đăng cai tổ chức Hội nghị Hiệp thương hai miền Nam - Bắc, đáp ứng mong mỏi và ý chí, nguyện vọng tha thiết của nhân dân hai miền về thống nhất non sông. Trên cơ sở đó, ngày 26-4-1976 thành phố cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 2 bầu Quốc hội thống nhất; từ ngày 26-6 đến 2-7-1976 Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 6 đã thực hiện đầy đủ các nội dung quan trọng để hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

Ba là, thực hiện “ý định” của Bác “đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng”, “thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”

Trong những dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4 hàng năm, nhất là những năm chẵn (1985, 1995, 2005, 2015), thành phố tổ chức đại lễ trọng thể, mời cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các địa phương cả nước, các Anh hùng, mẹ VNAH và đại biểu các nước anh em bầu bạn bè khắp năm châu đến dự. Qua đó lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo thành phố thay mặt nhân dân Việt Nam cảm ơn đồng bào, cán bộ chiến sĩ cả nước, cảm ơn các nước giúp đỡ sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong những hoạt động đối ngoại của TPHCM với các địa phương và quốc tế, lãnh đạo thành phố luôn nhân dịp gặp gỡ trao đổi để cảm ơn sự giúp đỡ của địa phương bạn, nước bạn.

Bốn là, Bác dặn “mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”

Ngay sau ngày giải phóng và tiếp quản một Đô thành sào huyệt của chủ nghĩa thực dân mới, trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh suốt 20 năm ở miền Nam, thành phố tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân nhanh chóng xóa bỏ tàn tích của chiến tranh. Trong 10 năm (1975-1985) thực hiện “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”, thành phố giải quyết tồn đọng hàng vạn sĩ quan, binh lính, nhân viên chế độ cũ; giãn dân và đưa một bộ phận dân trở về quê cũ làm; thực hiện những công việc cấp bách để ổn định cuộc sống của hàng triệu dân nội thành và ngoại thành vừa chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, từng bước xây dựng đời sống kinh tế, đời sống xã hội, đời sống văn hóa mới. Đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cùng cả nước đối phó liên tiếp với hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới; TPHCM là hậu phương trực tiếp của chiến trường biên giới Tây Nam, là hậu phương quan trọng của chiến trường biên giới phía Bắc.

Năm là, thực hiện “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế

Thành phố cùng Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước tìm tòi biện pháp tháo gỡ khó khăn của cơ chế quan liêu bao cấp, gây dựng mô hình mới, phát triển nhân tố mới, xây dựng đường lối đổi mới; từ đó đề ra các kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm môi trường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, từng bước tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế - văn hóa – xã hội; không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Thành phố sáng tạo nhiều mô hình quản lý kinh tế mới, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều phát triển, các thành phần kinh tế chuyển biến tích cực, vươn lên mạnh mẽ. Đề ra và kiên trì thực hiện chương trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, 12 công trình, chương trình trọng điểm, 7 chương trình đột phá, đề án xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo…

Sáu là, thực hiện “công việc đối với con người”, "phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"

Đảng bộ Thành phố luôn quan tâm chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng sống, phát triển văn hóa, xây dựng và phát triển con người. Thành phố khởi xướng và thực hiện các phong trào lớn vì dân như phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, bảo trợ bệnh nhân nghèo, đem lại nụ cười cho trẻ thơ, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị…

Bảy là, thực hiện "chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng" cho thanh niên, "đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hông" vừa "chuyên""

Thành phố tổ chức và tạo mọi điều kiện cho lực lượng thanh niên thực hiện nhiều phong trào thanh niên tình nguyện: chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”, Mùa hè xanh, Mùa Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Tình nguyện Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh… Thành đoàn TPHCM thực hiện công trình 1.000 phòng học, tạo nhiều sân chơi, công trình ý nghĩa cho thanh thiếu niên thuộc nhiều đối tượng tham gia, như: Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, phong trào “Sinh viên ba tốt”…

Tám là, thực hiện “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”

Từ năm 2002, thành phố thực hiện chương trình 300 tiến sĩ, thạc sĩ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội. Trên địa bàn thành phố có hơn 60 trường đại học công lập, ngoài công lập, học viện, tạo điều kiện cho hàng vạn sinh viên con em thành phố được đào tạo trình độ cao ngay trên thành phố quê hương. Học viện cán bộ của thành phố là địa chỉ thân thuộc của nhiều thế hệ cán bộ thành phố trong hàng chục năm qua. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức “Năm giáo dục” và nhiều hoạt động chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Chín là, thực hiện “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”

Đảng bộ TPHCM trải qua 11 kỳ đại hội luôn đẩy mạnh thực hành dân chủ rộng rãi nhằm giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, thường xuyên thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, chú trọng thực hiện mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ. Đảng bộ thường xuyên tổ chức “Đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng bộ thành phố xây dựng chương trình hành động và thành lập 40 nhóm công tác chỉ đạo và theo dõi kiểm điểm ở các đảng ủy trực thuộc; các cấp ủy Đảng tổ chức nhiều hoạt động khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình, phê bình; Thành ủy đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với các cán bộ, đảng viên, nghiêm khắc thi hành kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm…

Thực ra, thành phố còn nhiều việc chưa làm được như lòng mong mỏi của Bác; tuy nhiên những công việc trên đây cho thấy sự nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố mang tên Bác. Rõ ràng Di chúc Bác Hồ là kế sách chiến lược phát triển lâu dài cho đất nước, không phải chỉ thực hiện trong 50 năm để báo công; mà cần tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, như điều mong muốn cuối cùng của Bác.

Hà Minh Hồng

Top