TPHCM nên trở thành trung tâm tài chính toàn diện hay chuyên biệt?

21/10/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng, TPHCM xuất phát sau rất nhiều trung tâm tài chính (TTTC) trong khu vực và quốc tế, cần phải đặt mục tiêu khả thi, vừa sức. Bên cạnh đó, trong xây dựng chiến lược cũng cần trả lời câu hỏi Thành phố muốn trở thành TTTC toàn diện hay chuyên biệt? Nhiều khó khăn nhưng TPHCM quyết tâm trở thành trung tâm tài chính Hợp sức,

Nhiều chuyên gia cho rằng TPHCM đang thiếu nhiều điều kiện, khó có thể trở thành các trung tâm tài chính như Thụy Sĩ, London, Tokyo, New York, Seoul…, do đó nên tìm hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện của Thành phố.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, muốn đo lường quy mô thị trường tài chính phải bao gồm 4 cấu phần: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thị trường phái sinh. Tại Việt Nam, tính tổng tài sản hệ thống ngân hàng, giá trị vốn hoá của TTCK, doanh thu phí bảo hiểm tương đương khoảng 300% GDP, so với khu vực còn thua Thái Lan, Singapore nhiều lần.

Mặt khác, trong hệ thống tài chính, tổng tài sản ngân hàng chiếm đến 68%, giá trị vốn hoá trái phiếu Chính phủ chiếm 23%, giá trị vốn hoá trái phiếu doanh nghiệp khoảng 8%, còn lại là bảo hiểm khoảng 2%. Tuy nhiên, ngành ngân hàng Việt Nam quy mô còn khá khiêm tốn, còn nhiều vấn đề phải tái cơ cấu.

Thị trường tài chính TPHCM mới chiếm 6,2% GRDP của cả nước, giá trị vốn hoá cổ phiếu tại TPHCM mới chỉ chiếm 60% của TTCK Việt Nam.

“TPHCM đang giữ vai trò là đầu tàu kinh tế, nhưng để chính thức trở thành TTTC quốc gia, còn phải là nơi đặt trung tâm của các định chế tài chính, hiện mới chỉ 1/3 các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán đặt tại TPHCM”.

Ở tầm khu vực, đối chiếu 10 tiêu chí để trở thành TTTC, TPHCM mới cơ bản đáp ứng được 4 tiêu chí ở mức trung bình khá: Vị trí, danh tiếng, môi trường kinh doanh, mức độ đa dạng của sản phẩm dịch vụ tài chính.

Sáu tiêu chí còn lại trong đó có 4 điều kiện vô cùng quan trọng, nếu không tập trung nguồn lực thì rất khó để thực hiện. Thứ nhất là đồng tiền phải tự do chuyển đổi không chỉ trong nước mà còn phải trong khu vực, điều này muốn làm được phải có sự thay đổi thể chế, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của NHNN.

Thứ hai là tự do luân chuyển dòng vốn, tiền vào-tiền ra thông suốt thì nhà đầu tư mới dám đầu tư. Thứ ba là cơ sở hạ tầng phải được hoàn thiện và bắt kịp sự phát triển kinh tế. “TPHCM nếu định hướng chọn Thủ Thiêm trở thành ‘Phố Wall’ thì phải khảo sát Phố Wall ở New York cần những điều kiện gì, theo tôi vẫn còn nhiều thách thức”. Cuối cùng là nguồn nhân lực, muốn thành TTTC khu vực phải có nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành tài chính ngân hàng, công nghệ và có khả năng ngoại ngữ tốt.

Từ đó, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, nếu định hướng TPHCM phải cạnh tranh với Hongkong, Seul thì rất khó, vì đằng sau các TTTC này là hàng triệu doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nên đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với Kuala Lumpur của Malaysia thì sẽ khả thi hơn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cho biết, mặc dù sau 20 năm phát triển, độ lớn TTCK TPHCM khá đáng kể, tổng giá trị vốn hoá là gần 180 tỷ USD, đạt trên 70% GDP, mức cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Thị trường trái phiếu Chính phủ cũng từ số 0 thành hơn 50 tỷ USD tương đương 20% GDP, khá thanh khoản, lãi suất bình quân hạ từ trên 10% xuống còn hơn 3%, cho thấy nguồn huy động cho ngân sách Nhà nước đã rẻ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, muốn trở thành TTTC khu vực cần phải huy động được vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên theo báo cáo của WB xác định độ hấp dẫn của các thành phố, TPHCM chỉ xếp thứ 69/190. Thị trường vốn còn thiếu vắng chủ thể mang tính tổ chức, thiếu những tổ chức quản lý quỹ, các chủ thể, loại hình và tốc độ hoạt động trên thị trường chưa đa dạng, còn phải khai thác rất nhiều tiềm năng của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng để trở thành TTTC khu vực.

Toàn diện hay chuyên biệt?

Theo ông Patrick Tay, Giám đốc tư vấn kinh tế và chính sách PwC tại Malaysia, Thành phố có thể chọn hướng phát triển thành TTTC có vai trò chuyên môn, tập trung vào những mục tiêu cụ thể như cấp vốn cho cơ sở hạ tầng, vốn cho SME, hỗ trợ hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp chứ không nên đi theo hướng xây dựng một TTTC cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện, điều đó là quá sức và TPHCM khó có thể cạnh tranh với các TTTC lớn mạnh.

Ông Andrew Vallis, thành viên sáng lập Công ty Đầu tư Blue HK Investments, Anh, thì cho rằng Singapore là mô hình mẫu quan trọng có nhiều nét tương đồng, trong chiến lược xây dựng TPHCM thành TTTC cần quan tâm đến bài học thành công của TTTC này.

Với chỉ 6 triệu người, Singapore đã xây dựng được nền tài chính phát triển bậc nhất là do tập trung vào mảng ngoại hối, quản lý tài sản, gần đây có chuyển dịch sang Fintech và công nghệ tài chính. Nhà nước Singapore cũng chú trọng cung cấp cơ sở hạ tầng tốt, đào tạo nhân lực chất lượng cao. “TPHCM hoàn toàn có thể lựa chọn hướng đi này do thế mạnh của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp lại giỏi về khoa học tự nhiên. Trong khi đối với thị trường tài chính việc xử lý thuật toán bằng CNTT rất quan trọng”.

Còn theo ông Patrick Lenain, Trợ lý Giám đốc Ban Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Pháp, TPHCM đang đi sau rất nhiều TTTC trong khu vực và quốc tế, vì vậy, nên chọn hướng đi riêng và tài chính xanh là một gợi ý.

Biến đổi khí hậu và những vấn đề khan hiếm tài nguyên đòi hỏi luồng vốn để chi trả cho quản lý nước, không khí, rác thải, năng lượng tái tạo. Nhiều nhà đầu tư cũng đang chuyển hướng vào các dự án xanh, trái phiếu xanh, chấp nhận chịu mức lãi suất thấp hơn miễn là nguồn tiền thu được từ trái phiếu đó phục vụ cho mục đích xanh hoá. TPHCM có thể xây dựng và kêu gọi vốn thông qua kênh này, hướng tới Thành phố trung tính về phát thải CO2 trong tương lai.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, ngay từ đầu chưa nên định hướng thành TTTC toàn diện hay chuyên biệt. Trước mắt phải thực hiện chuẩn hoá hệ thống kế toán, thuế, sắp xếp lại hệ thống tài chính, công cụ thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, tạo môi trường pháp lý, quản lý Nhà nước thuận lợi để thúc đẩy thị trường tài chính, sau đó mới xem xét thế mạnh, lĩnh vực nào bật lên để tập trung phát triển.

Thu Lê

Top