TPHCM kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt – phát điện

26/11/2017 5:02 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 26/11, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: VGP/Bích Ngọc

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; đại diện các bộ ngành Trung ương; lãnh đạo 18 tỉnh thành khu vực phía Nam; các nhà khoa học và doanh nghiệp lĩnh vực xử lý rác thải rắn đã tham dự.

Theo báo cáo tình hình rác thải trên địa bàn TPHCM của Sở Tài nguyên môi trường, hiện thành phố có ba loại rác gồm: Rác thải rắn sinh hoạt, rác thải công nghiệp - nguy hại và rác thải y tế.

Trong đó, khối lượng rác thải sinh hoạt là 8.700 tấn/ngày và được chôn lấp 76%, tương đương 6.600 tấn, 14,7% được chuyến hóa thành phân compost và 9,3% đem đốt. 

Đáng chú ý, tỷ lệ tái chế rác thải rắn sinh hoạt rất thấp do thực tế rác thải hiện chưa được phân loại tại nguồn toàn bộ.

Với rác thải công nghiệp và nguy hại, mỗi ngày, TPHCM phát sinh từ 1.500-2.000 tấn. Trên địa bàn thành phố có 12 cơ sở được cấp phép xử lý rác thải nguy hại và được xã hội hóa.

Đối với rác thải rắn y tế, mỗi ngày thành phố cũng có tới 22 tấn phát sinh và loại rác thải này hiện được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đốt hoàn toàn.

Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường TPHCM, hiện sở đang kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).

TPHCM xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 50%. Thực hiện điều này, một trong các giải pháp thành phố nêu ra là chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được từ đốt rác phát điện trong giai đoạn 2020 - 2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, TPHCM đã đưa ra một số ưu đãi đầu tư vào xử lý rác như: Miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra với giá 2.114 đồng/kWh; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Lãnh đạo TPHCM chụp hình lưu niệm cùng các nhà đầu tư tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Bích Ngọc

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM là đô thị lớn, đang phát triển nhanh chóng nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức như kẹt xe, ngập nước và vấn đề xử lý rác thải đô thị, công nghiệp.

Với vấn đề rác thải, ông Tuyến cho hay, mục tiêu của TPHCM là có những nhà máy xử lý rác thông minh vừa xử lý rác, vừa tạo ra năng lượng, an toàn cho môi trường, tiết kiệm quỹ đất, có thiết kế đẹp. TPHCM đảm bảo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xử lý rác thải một cách công khai, minh bạch.

Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm, và đang khẩn trương tìm giải pháp cho bài toán đảm bảo vệ sinh môi trường, sẵn sàng đón nhận các ý tưởng của nhà đầu tư trên cơ sở phù hợp với tình hình thành phố.

Sau hội nghị, UBND TPHCM sẽ nhanh chóng chuẩn bị các thủ tục kêu gọi đầu tư, thông báo và công bố các quy trình, tiêu chuẩn xét chọn dự án, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư đề xuất.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, quan điểm của lãnh đạo thành phố là cần phải thay đổi công nghệ, thay đổi cách thức xử lý rác, theo đó sẽ chuyển từ chôn lấp là chính sang công nghệ đốt. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% lượng rác thải được xử lý thành năng lượng.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM, lĩnh vực xử lý rác hiện không nhất thiết nhà nước phải đầu tư mà nên xã hội hoá, thành phố chỉ trả bằng phí dịch vụ. Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, TPHCM có cơ hội tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, đồng thời cũng lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp.

Bích Ngọc

Top