TPHCM đang làm gì để cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh?

16/02/2021 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá định kỳ 24 giờ để nới lỏng hoặc siết chặt các giải pháp đã triển khai nhằm thực hiện tốt nhất phương châm “khẩn trương, thần tốc, chủ động, đồng bộ”, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương chiều ngày 15/2. Đầu cầu tại TPHCM có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương chiều ngày 15/2.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 5/2/2021 đến ngày 10/2/2021, TPHCM đã phát hiện 35 trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm 9 nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác cũng có liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp của sân bay.

Qua đánh giá sơ bộ 35 trường nhiễm COVID-19, hầu hết đều không có triệu chứng, không có trường hợp diễn biến nặng, nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính rất nhanh sau một thời gian ngắn được điều trị.

Đến nay, đã có kết quả xét nghiệm 2.946 F1, F2 của 35 ca bệnh nêu trên không phát hiện thêm người nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm cho 9.864 người trong cộng đồng tại các địa điểm, khu vực liên quan ca bệnh cũng không ghi nhận người nhiễm; xét nghiệm kiểm tra hơn 2.700 nhân viên y tế của 5 bệnh viện tại TPHCM có liên quan các ca bệnh cũng không phát hiện lây nhiễm.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, nhằm tăng cường kiểm soát dịch bệnh, Thành phố đã tổ chức chiến dịch giám sát chủ động theo chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các điểm nguy cơ gồm 5 bến xe liên tỉnh, 2 bến xe nội đô, 3 chợ đầu mối, 35 chợ địa phương và 25 khu nhà trọ, khu lưu trú của công nhân. Trong 4 ngày thực hiện, từ 11/2 (30 tết) đến 14/2 (mùng 3 Tết), đã có 6.551 người được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 6.504 người âm tính, còn 47 người đang chờ kết quả.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho sân bay duy trì hoạt động trong những ngày qua, TPHCM phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; hạn chế tối đa các dịch vụ ăn uống tập trung đông người, nhiều tiếp xúc trong sân bay. Tổ chức cách ly tập trung đối với toàn bộ 146 nhân viên đội bốc xếp và quản lý sắp xếp hàng hóa trên máy bay để kiểm soát nguy cơ tiếp tục lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, hằng ngày toàn bộ nhân viên sân bay làm việc ở các khâu tiếp xúc với hành khách và nhân viên bốc xếp hàng hóa đều được xét nghiệm kiểm tra trong vòng 24 giờ trước ca làm việc, nếu âm tính mới được đi làm; kể từ ngày 8/2 đến nay đã có 7.494 lượt nhân viên được xét nghiệm kiểm tra, tất cả đều âm tính.

Như vậy trong đợt đáp ứng khẩn cấp nhằm kiểm soát chùm ca bệnh liên quan đến sân bay, TPHCM đã thực hiện 39.122 mẫu xét nghiệm.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, những ngày qua, Thành phố đã sẵn sàng khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, ký túc xá Đại học Ngoại ngữ và tin học TPHCM và Học viện chính trị Khu vực 2, Bệnh viện Ung bướu. Tổng công suất khoảng 10.000 giường.

Thành phố cũng đã tạm dừng toàn bộ các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và các cơ sở kinh doanh dịch vụ như các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim, nhà hàng… Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Yêu cầu toàn bộ người dân hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt; khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết ngày 28/2, tổ chức học trực tuyến. Thành phố cũng chỉ đạo giảm giảm quy mô và đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch lễ hội, sự kiện đã được phê duyệt; đồng thời dừng các hoạt động văn hóa lễ hội do quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức; đường hoa và đường sách, hội hoa xuân chỉ đón khách từ 8-17 giờ hằng ngày…

Về một số giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các chỉ đạo về phòng, chống dịch. Kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch. Yêu cầu người dân thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế; xử phạt nghiêm việc không chấp hành đeo khẩu trang.

Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả người dân cài đặt phần mềm Bluezone góp phần truy vết ca nhiễm khi ngành y tế có yêu cầu. Hiện mới đạt 7,2 triệu/12 triệu thuê bao điện thoại di động trên địa bàn TPHCM cài đặt phần mềm Bluezone.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM tiếp tục triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn và các biện pháp phòng hộ khác theo quy định; định kỳ tầm soát bằng xét nghiệm đối với các nhân viên bốc xếp hàng hóa tại sân bay; chủ động giám sát thân nhiệt nhân viên và hành khách đến sân bay hằng ngày. Giám sát ngẫu nhiên bằng xét nghiệm đối với hành khách đến từ một số tỉnh có nguy cơ dựa theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế nguồn bệnh xâm nhập Thành phố sau đợt nghỉ Tết, TPHCM phối hợp Cảng vụ Hàng không miền Nam tổ chức kiểm tra khai báo y tế của hành khách đi máy bay, xe lửa, xe khách, tùy theo địa phương nơi hành khách xuất phát, đơn vị y tế tổ chức giám sát y tế và xét nghiệm phù hợp.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá định kỳ 24 giờ để nới lỏng hoặc siết chặt các giải pháp đã triển khai nhằm thực hiện tốt nhất phương châm đã đề ra “khẩn trương, thần tốc, chủ động, đồng bộ”, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Mạnh Hùng

Top