TPHCM đảm bảo đủ thực phẩm cho thị trường trong thời gian dài

11/03/2020 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm trên địa bàn TPHCM cho biết đã chuẩn bị nguyên liệu đủ để sản xuất, cung ứng cho thị trường trong thời gian dài và cam kết không điều chỉnh giá trong vài tháng tới.

Saigon Co.op đảm bảo đủ hàng hóa cho nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: VGP/Lê Anh

Chiều ngày 10/3, tại buổi làm việc với Sở Công thương TPHCM về tình hình dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn TPHCM để ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19, các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và doanh nghiệp phân phối trên địa bàn cho biết đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường trong thời gian dài và cam kết không điều chỉnh giá trong vài tháng tới.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm (chủ yếu là gạo và các mặt hàng chế biến từ bột gạo, bột mì như bún ăn liền, mì, phở, miến ăn liền, đồ hộp, xúc xích…) tăng mạnh từ sau Tết đến nay, đặc biệt tăng đột biến trong 2 ngày gần đây (ngày 7-8/3), sau khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17.

Ở mảng thực phẩm khô, các doanh nghiệp sản xuất mì gói, bún, phở ăn liền như Acecook, Vifon, Colusa – Miliket, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây… cho biết sức mua đã tăng 45%-50% kể từ đầu tháng 3 đến nay.

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết khoảng 10 ngày nay, tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15% - 20%, đồ đông lạnh tăng trên 20%.

Với mặt hàng gạo, mặc dù giá lúa gạo đang có xu hướng tăng nhưng các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo như Công ty Vinh Phát Wilmar, Công ty CP Lương thực Thành phố, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương… vẫn duy trì lượng tồn kho và giữ giá bán đúng theo giá đã đăng ký. Nhiều doanh nghiệp gạo cũng cho biết, mặc dù có kế hoạch xuất khẩu, nhưng sẽ ưu tiên đảm bảo trước tiên cho thị trường nội địa với mức giá ổn định.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đến ngày 10/3, tình hình đã ổn định trở lại, người tiêu dùng không còn hiện tượng mua gom như 2 ngày cuối tuần (ngày 7-8/3), một phần là nhờ cả doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với tình huống thị trường khi dịch bệnh lan rộng.

Các đơn vị phân phối lớn như: Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market cho biết đang tăng dự trữ hàng hóa, xây dựng kịch bản dự trữ hàng, tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch đơn hàng, cùng với đó là linh hoạt tăng thời gian mở cửa bán hàng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất chủ lực của thành phố cũng cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu đủ để sản xuất, cung ứng cho thị trường trong thời gian dài.

Phó Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Đăng Phú cho biết, những ngày gần đây, do nhu cầu tiêu dung của tăng mạnh, công ty phải tổ chức cho công nhân làm 3 ca. Hay tại Công ty CP Acecook Việt Nam, đại diện đơn vị này, bà  Trần Thị Mỹ Vân, Chánh văn phòng công ty, khẳng định năng lực sản xuất của công ty có thể tăng hơn 30% so với bình thường và hiện công ty vẫn đang sản xuất ổn định.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, lưu ý các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất không nên chủ quan với sức mua của người dân, đồng thời cần phải thường xuyên nắm tình hình, dự trữ đầy hàng trong kho để sẵn sàng cung ứng ra thị trường trong những tình huống cấp bách.

Lê Anh

Top