Các dự án giao thông BOT, BT phát huy hiệu quả

02/07/2015 6:20 PM

(Chinhphu.vn) - Theo UBND TPHCM, hiện các dự án BOT, BT thuộc lĩnh vực giao thông đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết ách tắc và nâng cao năng lực giao thông tại các cửa ngõ quan trọng của Thành phố.

Đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường nối sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực Đông Nam Bộ
được khánh thành đầu năm 2014. Ảnh: VGP/Đỗ Cường

Báo cáo của UBND TPHCM với Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án BOT và BT trong lĩnh vực giao thông và môi trường đã và đang thực hiện từ năm 2010 cho biết, đến nay, Thành phố có 5 dự án thực hiện theo hình thức BOT và BT đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng gồm dự án cầu Phú Mỹ, đường dẫn kết nối với cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu 2, cầu Sài Gòn 2, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 1A (đoạn An Sương - An Lạc). 

Thành phố cũng đang triển khai 6 dự án, trong đó 5 dự án thuộc lĩnh vực giao thông và 1 dự án thuộc lĩnh vực môi trường với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, gồm: Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội; đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu; dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám; dự án nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1). 

Đánh giá về tính hiệu quả của các dự án, UBND TPHCM cho rằng, các dự án BT, BOT đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội và đô thị hóa tại các khu vực; nâng cao năng lực giao thông, giảm tình trạng ùn tắt giao thông tại các cửa ngõ phía Đông, Đông Bắc, Bắc và Tây thành phố.

Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn hạn chế và nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, các dự án BOT, BT đã góp phần quan trọng vào hoàn chỉnh các trục giao thông đô thị, đảm bảo cho hàng hóa lưu thông ra vào các cảng và khu công nghiệp trên địa bàn.

Cùng với các dự án giao thông, các dự án môi trường đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát, cải thiện sức khỏe cộng đồng dân cư trong khu vực.

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã có hiệu lực thi hành nhưng hiện việc triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần được hướng dẫn.

Cụ thể, Nghị định chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm từng cơ quan chuyên môn trong thực hiện hợp đồng dự án; chưa nêu rõ khái niệm tổng vốn và tổng mức đầu tư trong từng trường hợp.

Nghị định cũng không quy định việc thành lập nhóm công tác liên ngành; không quy định về chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước sang đầu tư theo hình thức PPP; chưa hướng dẫn cụ thể về thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất sạch hoặc quỹ đất chưa sạch.

Ngoài ra, Nghị định không quy định phương thức thanh toán bằng hình thức kết hợp quỹ đất để thực hiện dự án và ngân sách nhà nước; chưa quy định hoặc hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được miễn, giảm tiền sử dụng đất... 

Từ những phân tích trên, UBND TPHCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ cho phép Thành phố được thực hiện phương thức thanh toán hợp đồng BT theo hình thức hỗn hợp (quỹ đất kết hợp bằng tiền); bổ sung các phương thức thanh toán khác như quyền khai thác quảng cáo, khai thác thương mại các công trình khác,…. 

Đối với dự án bãi đậu xe ngầm, UBND Thành phố kiến nghị cho phép miễn tiền thuê đất trong thời gian đầu tư và khai thác dự án bãi đậu xe ngầm, nhà đầu tư tự quyết định mức phí giữ xe theo thị trường để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, không xếp loại đầu tư bãi đậu xe ngầm là dự án bất động sản để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Nam Đàn 

Top