Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất 3 giai đoạn cho đô thị sáng tạo TPHCM

30/07/2018 10:18 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, 3 giai đoạn phát triển cho khu đô thị sáng tạo của TPHCM gồm giai đoạn xây dựng nền tảng ban đầu (từ năm 2018 – 2025); giai đoạn phát triển theo chiều sâu (2025 – 2050) và sau năm 2050 sẽ là giai đoạn phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ. Không năng động, sáng tạo, sẽ mãi là người làm thuê!

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với chuyên gia quốc tế. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Trình bày quan điểm tại hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo” do UBND TPHCM tổ chức ngày 28/7, Phó Giáo sư, tiến sĩ, Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Việc xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố sẽ là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng trong bối cảnh đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế thành phố, trong đó sự kết nối là tâm điểm bao gồm kết nối phần cứng (giao thông) và phần mềm (các chương trình liên kết, hợp tác).

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thì nhìn nhận việc xây dựng khu đô thị sáng tạo mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng không phải không có thách thức. Cụ thể như thành phố còn thiếu điều kiện hạ tầng, quỹ đất chưa khai thác còn khá lớn nhưng không tập trung mà nằm rải rác trên nhiều khu vực, thủ tục hành chính còn phức tạp, chuyển biến chậm trong áp dụng Chính phủ điện tử.

Về giải pháp, Sở này cho rằng thành phố cần sớm có các chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển tại khu đô thị sáng tạo cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và sự liên kết giữa khu đô thị sáng tạo với các trung tâm khác của thành phố.

Còn ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, đô thị sáng tạo đòi hỏi phải có tất cả các yếu tố cơ bản, phối hợp đồng bộ với những chính sách nhất quán, rõ ràng. Việc xây dựng khu đô thị sáng tạo cần xem xét trên bình diện toàn bộ hệ sinh thái như về quy hoạch, chính sách, cơ sở hạ tầng và tổ chức…, chứ không chỉ về công nghệ.

Góp ý về giải pháp triển khai khu đô thị sáng tạo, ông Huỳnh Thế Du đến từ Đại học Fulbright Việt Nam đề xuất định hướng khu đô thị sáng tạo TPHCM phải trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu, phải là nơi đặt các trụ sở quốc tế và phối hợp hoạt động của các công ty toàn cầu, là một trung tâm dịch vụ tài chính, trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm, trung tâm nghiên cứu về khoa học đời sống kết hợp với nghiên cứu thử nghiệm, trung tâm dịch vụ chia sẻ cung cấp các dịch vụ cho các công ty toàn cầu.

Đưa ra đề xuất 3 giai đoạn phát triển cho khu đô thị sáng tạo của TPHCM gồm giai đoạn xây dựng nền tảng ban đầu (từ năm 2018 – 2025) tiếp tục mô hình chính quyền đô thị; giai đoạn phát triển theo chiều sâu (2025 – 2050) hoàn thiện kết nối giữa các địa phương trong vùng; và sau năm 2050 sẽ là giai đoạn phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ. Tuy vậy, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng cho rằng muốn xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, TPHCM trước hết phải có được sự đột phá về thể chế, công tác cán bộ, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Thay mặt Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mặc dù thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và cũng là nơi có lực lượng lao động chất lượng cao, năng suất lao động gấp 2,7 lần so với bình quân cả nước; khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, đóng góp 82% cho nền kinh tế thành phố. Tuy nhiên hiện thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã xác định 7 chương trình đột phá, sau một thời gian triển khai, đến năm 2017 thành phố bổ sung thêm đề án xây dựng đô thị thông minh với 4 mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân và sự tham gia của người dân vào việc giám sát hoạt động của chính quyền.

Tiếp đó, thành phố có điều chỉnh, đề ra mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo là xây dựng đô thị sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ,… cũng như hỗ trợ các tỉnh xung quanh gồm Đồng Nai và Bình Dương để tạo ra cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam.

Bí thư Thành uỷ TPHCM cho hay, khu đô thị sáng tạo của thành phố sẽ tập trung vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, đồng thời có trung tâm dịch vụ, khu vực sản xuất công nghệ cao gắn với không gian văn hóa giải trí… Do đó, TPHCM muốn gộp 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo nằm ở phía Đông của thành phố.

Trong đó, quận Thủ Đức là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, quận 2 với Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ vai trò trung tâm tài chính quốc tế còn quận 9 sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển với điểm nhấn Khu Công nghệ cao.

Về tiến trình, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trong năm 2018, thành phố sẽ tổ chức cuộc thi với sự tham gia của các đơn vị tư vấn quốc tế để xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể, sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho khu đô thị đổi mới sáng tạo thành phố.

Nam Đàn

Top