Thủ tướng: TPHCM phải chủ động ra sao trong khôi phục kinh tế

08/05/2020 10:09 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng nay (8/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM, một động lực, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và tại đầu cầu TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Thành phố.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, TPHCM là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với nước ta, cả kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học-công nghệ…

Trước hết, Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của đô thị 10 triệu dân, hết sức năng động, quyết liệt và rất thành công. Trong khó khăn của thế giới và trong nước, Thành phố luôn năng động, sáng tạo, có nhiều mô hình kinh doanh mới, tốt cho nền kinh tế không bị đổ gãy; đã phát huy truyền thống thành phố nghĩa tình, tương thân tương ái, trong đó có “ATM gạo” cho người nghèo cũng như các hình thức hỗ trợ của nhiều doanh nhân.

Đây cũng là một trong những địa phương triển khai sớm nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, phần lớn đối tượng khó khăn đã được quan tâm xử lý.

Thành phố chiếm khoảng 22-23% GDP của cả nước; chiếm 25% ngân sách cả nước, 33% dịch vụ cả nước… Do đó, theo Thủ tướng, nếu TPHCM suy giảm sâu về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm thu ngân sách.

Thủ tướng cho biết, theo số liệu được TPHCM báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 0,42% nhưng đến nay, sau khi rà soát lại (theo báo cáo mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa trình Thủ tướng) thì TPHCM tăng trưởng 1,03%. Nếu như vậy, trong quý I/2020, tăng trưởng GDP của cả nước không chỉ đạt 3,82% mà sẽ cao hơn. “Đây không phải bệnh thành tích mà phải phản ánh trung thực kinh tế, nhất là kinh tế TPHCM”, Thủ tướng nói. Tuy vậy thì tốc độ tăng trưởng nêu trên cũng là thấp.

Với vị trí của Thành phố lớn như vậy, Thủ tướng đặt câu hỏi, TPHCM có những giải pháp gì trong thời gian tới? Thành phố phải chủ động ra sao trong khôi phục kinh tế? Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề này. “Giải pháp gì tới đây mà Trung ương phải chỉ đạo để tạo điều kiện, nhất là các công trình kết nối cho TPHCM?”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ lắng nghe kiến nghị của TPHCM để cố gắng xử lý trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ và TPHCM, nhất là những công trình dở dang. Cho nên những biện pháp, những quyết sách, giải quyết kiến nghị của TPHCM, tháo gỡ vướng mắc cho Thành phố là nội dung quan trọng của cuộc làm việc, với tinh thần là TPHCM phải hướng đến đô thị hiện đại, điển hình của khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong thời gian tới, Thành phố xác định chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới” (có phát sinh người nhiễm bệnh mới nhưng không có nguy cơ trở thành ổ dịch trong cộng đồng); tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn do dịch COVID-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố năm 2020. Trong đó, Thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm kiên định với 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm “5 tại chỗ”, tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 4 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp: (1) Hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn; (2) Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt cho người dân; (3) Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; (4) Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; Đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố; Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng 46 chương trình, đề án nhánh trong 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm để phát triển Thành phố phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Triển khai quyết liệt dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài (Tây Ninh), thực hiện đúng tiến độ các dự án tuyến Metro số 1, tuyến Metro số 2, xây dựng 3 nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ mới đốt rác phát điện, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về phiên họp này.

Đức Tuân

Top