Thiếu vốn cho các dự án chống ngập

13/07/2015 4:30 PM

(Chinhphu.vn) - Để thực hiện các dự án chống ngập cấp bách trong giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM dự trù tổng kinh phí vào khoảng 66.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách TP chỉ có thể đáp ứng được khoảng 7.500 tỷ, phần còn lại TP kiến nghị Chính phủ hỗ trợ và huy động từ nguồn xã hội hóa…

Đường Huỳnh Tấn Phát luôn trong tình trạng ngập khi triều cường và mưa lớn. Ảnh: VGP/Đỗ Cường

Trong báo cáo tóm tắt giải quyết chống ngập trên địa bàn, UBND TPHCM cho biết, quy hoạch đô thị Sài Gòn trước đây (trước năm 1975) chỉ tương thích với quy mô dân số khoảng 2 triệu người, hệ thống hạ tầng cũng được quy hoạch và thiết kế ở mức tương ứng.

Tuy nhiên, sau 40 năm, hiện dân số TP đã vượt ngưỡng 10 triệu người, chưa tính đến dân vãng lai (tăng hơn 5 lần), điều này dẫn đến áp lực về hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống tiêu thoát nước vốn đã xuống cấp trên địa bàn.

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ngập úng

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết và triều cường trong lưu vực sông Sài Gòn là nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng trên địa bàn ngày càng trầm trọng.

Cụ thể, nếu như từ năm 1962 - 2001, TP chỉ xuất hiện 9 trận mưa lớn trong hơn 3 tiếng, đạt vũ lượng trên 100mm (trung bình 4 năm xuất hiện 1 lần). Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện tới 29 trận mưa, trong đó có 3 trận lượng mưa lên đến 100mm- 122mm.

Đối với triều cường, các mốc đỉnh triều cũng diễn biến tăng kỷ lục. Từ năm 1980 – 2007, đỉnh triều ở mức cao nhất mới chỉ đạt dưới 1,50m, nhưng từ 2008 cho đến nay, đỉnh triều thường xuyên vượt trên mức 1,50m, trong đó có thời điểm đỉnh triều đã chạm mức 1,68m.

Diễn biến bất thường của khí hậu đang là nguyên nhân trực tiếp khiến hệ thống cống thoát nước của thành phố bị quá tải. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hệ thống cống trước đây có tiết diện nhỏ (khoảng 600 – 800mm), qua thời gian dài sử dụng nay xuống cấp. Bên cạnh đó, do quản lý còn lỏng lẻo và ý thức của người dân hạn chế nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy.

Còn theo đánh giá của Sở Xây dựng TPHCM, việc một số dự án khu đô thị sau khi đã san lấp kênh rạch để xây dựng nhưng không xây hồ điều tiết bù diện tích đã san lấp theo quy định, khiến vùng nước tự nhiên bị thu hẹp. Bên cạnh đó, công tác dự báo chưa lường hết những tác động phức tạp của biến đổi khí hậu nên nhiều công trình thoát nước dù mới được đầu tư trong thời gian ngắn đã bị quá tải.

Người dân tại bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh cũng luôn trong cảnh bị ngập úng khi triều cường.
Ảnh: VGP/Phương Dy

Cần 66.820 tỷ đồng chống ngập đến 2020

Theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện ngân sách TP không có đủ khả năng đầu tư cho các dự án chống ngập trọng điểm theo quy hoạch trên địa bàn

Cụ thể, để thực hiện các dự án chống ngập cấp bách trong giai đoạn 2016 - 2020, TP dự trù tổng kinh phí vào khoảng 66.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 7.500 tỷ, phần còn lại TP phải kiến nghị Chính phủ hỗ trợ và huy động từ nguồn xã hội hóa…

Trong khi đó, đến thời điểm cuối tháng 12/2014, dư nợ vay của TPHCM đã lên đến 25.115 tỷ đồng, bao gồm dư nợ trong nước (14.669 tỷ đồng) và dư nợ vay lại nguồn vay nước ngoài của Chính phủ (10.446 tỷ đồng).

Dự kiến trong 5 năm tới (2016 – 2020), mỗi năm TP phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi đến hạn (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011 – 2014).

Cũng theo UBND TPHCM, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân khiến TP phải tốn thêm kinh phí và thời gian để đầu tư. Cụ thể như dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè mất 10 năm mới giải tỏa xong; dự án cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi Tẻ và dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm phải mất 7 – 8 năm mới giải tỏa xong. Riêng dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên đã hơn 10 năm triển khai nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành.

Do khó khăn về ngân sách như trên, UBND TPHCM cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho TP. Theo đó, sẽ trình Thủ tướng chỉ đạo NHNN cho TP vay 10.000 tỷ đồng, thời hạn vay là 10 năm, với lãi suất 0%/năm. Trường hợp NHNN không đồng ý lãi suất 0%/năm thì TP kiến nghị Chính phủ hỗ trợ phần lãi vay.

Đối với quy hoạch xây dựng và cải tạo 200 km cống thoát nước; 3 hồ điều tiết và khoảng 12 km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn, hiện TP vẫn chưa tìm được nguồn vốn. Trong khi đó, các dự án này sẽ cần đến nguồn vốn lên đến 7.220 tỷ đồng. Dự kiến UBND TP sẽ kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ phần vốn này từ chương trình mục tiêu quốc gia hoặc từ nguồn bán vốn nhà nước khi cổ phần hóa các Tổng Công ty thuộc TP quản lý.

Phương Dy

Top