Thành phố ghi nhận số ca tử vong thấp nhất sau gần 1 tháng

16/09/2021 9:23 PM

(Chinhphu.vn) - Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo định kỳ chiều 16/9. Tính đến 15/9, Thành phố ghi nhận 315.623 trường hợp nhiễm COVID-19.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo định kỳ chiều 16/9. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Thành phố đang điều trị cho 41.297 bệnh nhân, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 15/9, Thành phố có 2.507 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 161.007), 160 trường hợp tử vong và đây là con số thấp nhất gần một tháng qua (tổng số ca tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 12.768).

Đến ngày 15/9, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm là 8.452.609 mũi. Trong đó tổng số mũi 1 là 6.667.018, mũi 2 là 1.785.591, mũi tiêm cho người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 969.451.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua TPHCM thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khoảng cách giữa các mũi tiêm. Tuy nhiên, nhiều chứng cứ cho thấy trong những tình huống đặc biệt có thể giảm thời gian 2 mũi vaccine AstraZeneca cách nhau từ 8-12 tuần xuống 6 tuần. Thực tế, TPHCM đã áp dụng cách rút ngắn này, cụ thể tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã áp dụng cách 2 mũi 6 tuần trong đợt tiêm đầu tiên và cho thấy hiệu quả. Mục đích đề xuất rút thời gian tiêm giữa 2 mũi AstraZeneca là để nhanh chóng phủ mũi 2 cho người dân Thành phố để có miễn dịch, có cơ sở để ổn định tình hình dịch trên địa bàn.

Về tình hình ca nhiễm thời gian qua, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng thời gian Thành phố áp dụng tăng cường giãn cách xã hội, đẩy mạnh xét nghiệm "vùng đỏ", "vùng cam". Khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng thì số ca dương tính dao động từ 4.000 đến 6.000 nhưng tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể ở khu vực vùng cam, vùng đỏ.

Cụ thể, đợt 1 từ ngày 23/8 đến ngày 27/8, tỉ lệ mắc COVID-19 ở "vùng đỏ và cam" là 3,6%. Nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. "Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỉ lệ giảm rất đáng kể và số ca dương tính vẫn còn", ông Nam nói và cho biết sắp tới thành phố tiếp tục rà soát và làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm bóc tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.

Cũng tại buổi họp báo, giải thích về tỉ lệ tiêm chủng tại Thành phố chưa cao, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trong dữ liệu tiêm chủng, dân số của TPHCM được lấy số liệu thống kê từ ngày 30/6, thời điểm này dân cư tại Thành phố còn đông đúc. Nhưng sau đó, một lượng lớn người dân ngoại tỉnh đã di chuyển về quê.

"Điều này cho thấy mẫu số trước đây so với bây giờ thực tế không phù hợp. Thành phố đã cơ bản tiêm xong hết mũi 1 cho những người có thể tiêm tại trên địa bàn. Con số hiện thời không phản ánh chính xác tình hình tiêm chủng hiện nay", ông Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, công tác nhập liệu còn chậm trễ tại một số địa phương khiến dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng chưa chính xác.

Liên quan đến hoạt động shipper, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết công an TPHCM không cấp giấy đi đường mà Sở Công Thương gửi danh sách shipper được hoạt động cho Công an Thành phố và cập nhật trên phần mềm để kiểm soát. Việc quản lý thông qua nhận diện bằng thẻ, băng đeo tay, trang phục, đơn hàng. Shipper phải khai báo y tế trên VNeID, đồng thời có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 2 ngày theo quy định của UBND TPHCM.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết Công an Thành phố đã ban hành Thông báo 3660, trong đó quy định rõ các phương thức kiểm soát lưu thông trên đường với các phương tiện. Cụ thể, đối với shipper, được phép giao hàng liên quận-huyện, xét nghiệm mẫu gộp 2 ngày/lần. Đối với nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động trong 1 quận, huyện hoặc TP. Thủ Đức và phải xét nghiệm 2 ngày/lần. 

Về tình hình học sinh khó khăn khi học online ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, ngành giáo dục thống kê có trên 75.000 trường hợp học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn về thiết bị, đường truyền, điều kiện kết nối giữa gia đình và nhà trường. Sau 1 tuần, tổng hợp từ các quận huyện cho thấy vẫn còn 40.000 trường hợp khó khăn trong chuyện học online. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, từ nội lực các đơn vị, nhà trường, mạnh thường quân, rất nhiều sự hỗ trợ cho các em để bảo đảm học online, đặc biệt, với sự tích cực và hiệu quả của các chương trình "Sóng và máy tính cho em", các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Thành phố cho đến các hoạt động của quận, huyện, trong tương lai sẽ bảo đảm việc học tập trực tuyến cho học sinh trên địa bàn.

Về vấn đề 100.000 học sinh tại TPHCM về tránh dịch, học trực tuyến nhưng không hiệu quả, ông Dũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương và Thành phố cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Tuy nhiên, những học sinh về quê tránh dịch không thể về Thành phố có thể liên hệ với đơn vị sở tại để được học trực tiếp, hoặc online với trường học tại TPHCM. Tùy tình hình dịch bệnh của Thành phố và các tỉnh, khi điều kiện cho phép, ngành giáo dục Thành phố sẵn sàng tiếp nhận.

Về vấn đề liệu Sở Giáo dục và Đào tạo có thí điểm mở lại trường học tại Quận 7, Cần Giờ, Củ Chi, ông Dũng cho biết ngành giáo dục cũng như các ngành nghề khác đặt tiêu chí an toàn là trên hết. Do đó, Sở đã trình bộ tiêu chí và đang chờ UBND TPHCM phê duyệt.

Tại buổi họp báo, thông tin về việc người dân được phát phiếu đi chợ 1 tuần/lần tại Quận 7 triển khai ra sao, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, theo kế hoạch, Quận 7, chính thức từ ngày mai người dân đi chợ 1 tuần/lần, có 51.206 hộ vùng xanh, thuộc 452 tổ dân phố trên địa bàn 10 phường trên tổng cộng 92.986 hộ sẽ bắt đầu luân phiên đi chợ. Người đi chợ sẽ được phát 1 phiếu, người đi bảo đảm tiêm vaccine ít nhất 1 mũi, thực hiện 5K và đi trong địa bàn phường, phiếu quy định có thời gian để đảm bảo giãn cách, tránh tụ tập đông người.

Băng Tâm

Top