Sự kết nối lịch sử

30/04/2021 12:55 PM

(Chinhphu.vn) - Có sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử trên cùng hướng đông của Sài Gòn-Gia Định-TPHCM: Mùa xuân năm 1975, Mặt trận hướng đông hình thành và giữ vị trí quan trọng cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mùa xuân năm 2020, Đề án thành lập thành phố phía đông được hoàn thành, làm bệ phóng và dẫn dắt nền kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển.

Thành phố phía đông - Thành phố Thủ Đức, bao gồm Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức, được kỳ vọng sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nguồn ảnh: Tuổi trẻ

Mùa xuân năm 1975, trong không gian 5 cánh quân của Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, Mặt trận hướng đông (gồm Quân đoàn 4 - Cánh Đông và Quân đoàn 2 - cánh Đông Nam) có nhiệm vụ mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc cho đại quân ta tiến vào, tạo thế bao vây cô lập Sài Gòn, đánh chiếm các vị trí, phá vỡ thế co cụm lớn và chặn đường rút lui ra biển của đối phương.

Mỗi cánh quân đều được giao nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu hợp điểm là Dinh Độc Lập. Kết quả: 18h ngày 26/4/1975, sau màn hỏa lực bắn phá dồn dập của hàng chục trận địa pháo binh dội xuống mục tiêu địch ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa, các sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 bắt đầu mở cuộc tiến công vào Sài Gòn.

Sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập Toàn thắng ghi: Từ đêm 28/4 đến ngày 29/4/1975, các lực lượng tiến công trên hướng đông đã phối hợp tác chiến với các binh đoàn chủ lực và địa phương trên chiến trận chung ở Quốc lộ 1; lực lượng thọc sâu phối hợp mở các cuộc tiến công giành và giữ các cây cầu trên sông Đồng Nai, rạch Chiếc, sông Sài Gòn, tạo điều kiện cho các cánh quân hành tiến vào Sài Gòn…

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30/4/1975 khi lá cờ giải phóng được kéo lên cột cờ sân thượng Dinh Độc Lập lúc 11h30’…

Gần nửa thế kỷ sau, TPHCM đề xuất việc hình thành Thành phố sáng tạo phía đông (gồm Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức) vốn đã nhanh chóng đô thị hóa và phát triển với các mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, đã có khu công nghệ cao đang phát huy tác dụng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM, là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn lớn; có Đại học Quốc gia TPHCM làm chủ lực cùng nhiều đại học khác trở thành nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học… hình thành 3 trục chủ lực trong tam giác phát triển về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính.

Chính vì thế, khi trình Chính phủ, Thủ tướng đã đánh giá rất cao ý tưởng này và báo cáo Bộ Chính trị quyết định.

Ngày 24/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 100% số phiếu tán thành, đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức.

Sau 46 năm thống nhất đất nước, trong đó có 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hội nhập quốc tế ngày một vững chắc, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều đổi thay phức tạp, khó lường, cùng sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học, công nghệ, sự biến đổi bất lợi của khí hậu, đại dịch COVID-19 đang hoành hành…, Việt Nam với gần 100 triệu người dân vẫn đang phát huy ý chí, khát vọng phát triển tổng thể đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Suốt 30 năm chiến tranh, khát vọng và mục tiêu giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà, rồi mục tiêu và khát vọng ấy đã đạt được bằng sức mạnh toàn dân đánh giặc, cả nước ra trận với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm", làm nên Đại thắng mùa Xuân và Ngày 30 tháng Tư năm 1975 lịch sử.

Nay đất nước đang “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển”, phấn đấu cho những mục tiêu thiết thực: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Từ nơi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước 46 năm trước, tại TPHCM, một thành phố cửa ngõ phía đông - Thành phố Thủ Đức - đã mở ra hướng phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao với các mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, hạt nhân ứng dụng công nghệ cao; cùng với sự tác động tương hỗ của 6 trung tâm nội tại (Trung tâm Tài chính và Kinh doanh Thủ Thiêm - Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao Đại học Quốc gia - Trung tâm sản xuất tự động hóa Quận 9 - Trung tâm ứng dụng quản lý công nghệ cao Trường Thọ - Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc - Trung tâm phát triển đô thị sáng tạo Tam Đa)…

Thành phố Thủ Đức có sức mạnh hợp lực toàn diện, cùng với 16 quận và 5 huyện khác của TPHCM, sẽ thúc đẩy Thành phố mang tên Bác Hồ “vì cả nước, cùng cả nước” phát triển nhanh chóng và bền vững, tạo thành sức bật mới cho  toàn vùng Đông Nam Bộ.

Như một kết nối lịch sử thành phố phía đông TPHCM xây dựng phát triển trên nền tảng không gian địa lý mặt trận hướng đông năm 1975. Vậy nên trong dáng dấp thấp cao của những tòa nhà, cụm dân cư của thành phố mở cửa ra phía Đông như vẫn thấy bóng dáng các đoàn quân giải phóng; trong hướng thẳng của những cây cầu, đại lộ và đường sắt trên cao ở đó như vẫn giữ hướng của các cánh quân năm ấy; giữa sôi động của những công trình, công sở, công viên như vẫn âm vang cái hào hùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam…

Đó cũng là giá trị mới của Thành phố ngày càng hiện đại, xanh, thông minh của hiện tại, của tương lai.

Hà Minh Hồng

Top