Sự cố Gateway phần lớn đến từ lỗi con người

12/08/2019 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Từ sự cố đáng tiếc vừa xảy ra tại Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hiện nay hệ thống quản lý tại nhiều cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng từ quy trình đến nhân lực trong việc đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc siết chặt quy trình chăm sóc, giáo dục trẻ thôi chưa đủ mà công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực của các trường cũng cần bài bản, chất lượng hơn. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Sự thiếu trách nhiệm và hậu quả nặng nề

Dư luận đang bức xúc với những tình tiết liên quan đến việc một cháu bé 6 tuổi tại Hà Nội tử vong nghi bị bỏ quên trên xe đưa rước học sinh suốt nhiều giờ liền. Câu hỏi được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra là tại sao trong một quy trình đưa đón, chăm sóc, dạy dỗ trẻ có rất nhiều cá nhân tham gia tại một trường “quốc tế” mà vẫn xảy ra lỗi nghiêm trọng dẫn đến sự cố không mong muốn này.

Là giáo viên có khoảng 10 năm giảng dạy bậc tiểu học tại một trường quốc tế ở quận 2, TPHCM, chị Nguyễn Thị Hồng cho rằng sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đáng buồn tại Gateway: “Theo tôi, vụ việc trường Gateway đúng là tài xế và nhân viên đưa rước thiếu trách nhiệm khi không kiểm tra xe khi học sinh xuống xe. Chuyện học sinh ngủ quên trên xe, để quên cặp, rơi đồ,... không phải là chuyện cơm bữa của các con sao? Nhưng các cá nhân này thiếu trách nhiệm là do họ không được tập huấn kỹ càng hoặc khâu quản lý chưa sát. Trong trường hợp này, nếu bộ phận xe lỡ quên trẻ nhưng giáo viên và phòng học vụ của trường làm tốt quy trình thì có lẽ đã không xảy ra sự việc đau lòng đến thế. Điểm danh là khâu rất quan trọng và phải thành phản xạ mà mỗi người làm việc với trẻ cần có, đặc biệt là giáo viên để đảm bảo sự an toàn của học sinh khi ở trường. Và mọi việc cần được báo sớm nhất cho phụ huynh theo nhiều kênh khác nhau.”.

Đồng ý với tâm tư của cô giáo Nguyễn Thị Hồng, theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, sự cố tại Gateway thể hiện sự thiếu chặt chẽ trong quy trình đưa đón, quản lý trẻ. Sự việc như vậy chắc chắn lỗi ở nhiều khâu chứ không riêng gì việc đưa đón trẻ vì nếu làm kỹ, làm đúng trách nhiệm các bộ phận sẽ phát hiện sớm và xử lý sự cố kịp thời.

Hiện nay nhiều trường chưa tuân thủ nghiệm ngặt những quy trình đòi hỏi tính kỷ luật cao này. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh để các trường nhìn lại và có sự thay đổi đảm bảo cao nhất tính an toàn cho trẻ trong môi trường giáo dục.

Nâng chất nguồn nhân lực để hạn chế lỗi quy trình

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng sau bài học đắt giá này, trường công hay tư cũng phải xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình đưa đón, chăm sóc trẻ đồng thời lên kịch bản dự các tình huống xấu có thể xảy ra để tập huấn kỹ cho giáo viên, nhân viên. “Tiêu chuẩn xếp hạng trường quốc tế nên chăng cần trở thành chuẩn như ISO để được kiểm định hành năm, kiểm tra đột xuất với sự tham gia của nhiều bên chứ không riêng gì Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, các khâu về đưa đón, chuẩn tài xế, chuẩn xe cộ… cũng cần quy định rõ chứ không theo kiểu mỗi trường một quy trình như hiện nay”, bà Quyên cho biết thêm.

Trong khi đó, Chuyên gia giáo dục P., Giám đốc điều hành hệ thống trường ngoại khóa tại TPHCM cho rằng sự cố Gateway phần lớn đến từ lỗi con người.

“Cách đây không lâu tại trường tôi cũng xảy ra sự cố tương tự khi dẫn học sinh đi ngoại khóa bằng xe 45 chỗ. Khi đến nơi có mấy học sinh say xe ói, cô giáo phải lo cho các em này và nhắn trợ giảng đi kiểm tra. Cô trợ giảng làm đúng quy trình nhưng chỉ đi đến 2/3 xe thì gọi với “Có bé nào nữa không?” rồi đi xuống xe mà không phát hiện còn một bé ở hàng cuối. May sau đó giáo viên điểm danh lại phát hiện thiếu một bé nên gọi xe dừng lại. Điều này cho thấy dù quy trình có đúng mà con người thiếu trách nhiệm thì rủi ro luôn rình rập. Tôi thấy lỗi này còn rất nhiều do mặt bằng chung đội ngũ nhân lực ngành giáo dục hiện nay còn yếu. Lỗi con người trong giáo dục có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, không như chuyện pha tách cà phê, may cái áo, hư còn làm lại được”, bà P. lý giải.

Khi cơ sở vật chất chưa đầy đủ các thiết bị hỗ trợ thì theo bà P. điều bắt buộc phải làm là siết chặt tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của những người liên quan đến quy trình đưa đón, chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Thế nhưng điều này rất khó nếu thiếu bộ quy chuẩn mô tả cụ thể các việc trong hệ thống giáo dục nhằm đảo bảo mỗi cá nhân luôn tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt nhất.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc siết chặt quy trình chăm sóc, giáo dục trẻ thôi chưa đủ mà công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực của các trường cũng cần bài bản, chất lượng hơn. Muốn làm được điều này, đầu ra của các trường sư phạm phải chuẩn hơn, quá trình đào tạo phải thực tế hơn để sinh viên sau khi tốt nghiệp đảm bảo tốt yêu cầu ngày càng cao của nghề giáo. Vì một trường dù mang danh nghĩa quốc tế, được đầu tư hàng trăm triệu USD nhưng nếu đội ngũ nhân lực yếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm thì rất khó vận hành hiệu quả dài lâu./.

Gia Mỹ

Top