Rác thải nhựa: Khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức

07/06/2019 7:18 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/6, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Hội thảo: “Rác thải nhựa - khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức”.

Hơn 100 khách mời là đại diện Chính Phủ, các tổ chức đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ, nhà nghiên cứu, học viện cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, về phía Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phương, Phó Cục trưởng, Cục bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường đã cập nhật những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Theo đó, đã có 3 định hướng chính sách nổi bật được Chính phủ đề ra, mà trước hết là tập trung cải thiện môi trường pháp lý; tiếp đó cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường và cuối cùng là định hướng sự phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Bà Đỗ Thị Diễm Thuý, Phó Phòng xử lý rác thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã phát biểu về những giải pháp mà Thành phố đang triển khai trong công cuộc giảm rác thải nhựa. 

Cụ thể, TPHCM đã đề ra những giải pháp nhằm hạn chế rác thải môi trường, đặc biệt giảm rác thải nhựa như: Vận động tiểu thương chợ, siêu thị không phát túi nilon miễn phí; khuyến khích sử dụng túi sinh học hoặc nhựa tái chế để sử dụng nhiều lần; tuyên truyền cho người dân sử dụng túi thân thiện môi trường… Hiện 100% siêu thị thành phố đã dùng túi nilon thân thiện với môi trường và thành phố đang nỗ lực tuyên truyền người dân phân loại rác tại nguồn…

Ngoài ra, trong phối hợp công - tư, hiện thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý rác, bằng giải pháp đốt rác chuyển thành năng lượng…

Tiến sĩ Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (FAO) thì cho biết, Việt Nam là một trong năm quốc gia có lượng nhựa thải ra cao nhất. Hiện nay nhựa sử dụng một lần rất phổ biến tại Việt Nam, trong khi công tác quản lý rác thải còn hạn chế. Chính vì vậy, tác động của rác thải nhựa đến môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày càng gia tăng.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham và đồng thời là Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh nêu những khuyến nghị về quản lý rác thải nhựa. Ông cho biết, những sáng kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành công nghiệp bao bì sẽ tạo ra những ảnh hưởng đột phá cho công cuộc quản lý rác thải nhựa.

Cùng với đó, Chính phủ có thể đưa ra quy định về các loại nhựa nên và không nên được sử dụng và có các ưu đãi dành cho doanh nghiệp như: giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, tăng thời hạn cho thuê đất, các giải pháp phi tài chính nhưng thật sự hỗ trợ tốt các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nhựa phân hủy sinh học toàn phần/bán phần, tái chế nhựa,…

Đại diện Công ty BAFS tại khu vực châu Á nêu giải pháp cho rác thải nhựa là tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn xử lý nguồn tài nguyên quay vòng (tức tái sử dụng). Doanh nghiệp này cũng đã giới thiệu những ví dụ thực tế khi đầu tư nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm nhựa sinh học thân thiện với môi trường, những sản phẩm phân huỷ 100% và trở thành hữu cơ.

Ở khu vực tư nhân của Việt Nam, hiện đã có đơn vị bắt đầu sản xuất các sản phẩm túi phân hủy làm từ tinh bột đầu tiên, như Tập đoàn An Phát Holdings - với các sản phẩm như túi vi sinh, dao thìa dĩa ống hút vi sinh, găng tay vi sinh, cốc giấy vi sinh… để thay thế cho các sản phẩm nhựa thông thường…

Về phía các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, tiến sĩ Albert T. Lieberg cho biết, có hơn 15 tổ chức và 25 sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đã có các hoạt động chống rác thải nhựa và đưa ra qui tắc chống chất thải tại Việt Nam do Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa được hiệu quả và triệt để, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa khu vực công và tư, nhằm đưa ra những giải pháp và chương trình đồng bộ liên quan đến công tác quản lý rác thải nhựa, một vấn đề mang tầm quốc gia hiện nay.

Ngọc Tấn

Top