Phát triển kinh tế hướng biển: Vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh

30/03/2021 4:19 PM

(Chinhphu.vn) - Tại hội thảo “TPHCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do UBND TPHCM và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/3, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65% đến 70% GDP cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Với TPHCM, năm 2020, kinh tế Thành phố chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển; FDI chiếm hơn 25% tổng thu hút FDI của các tỉnh thành phố ven biển và 10,8% cả nước.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết, trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, TPHCM và vùng TPHCM cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao.

Theo đó, mô hình tương lai của TPHCM cần kết nối vùng quyết liệt hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm quốc tế. Trong đó, vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của Thành phố.

Theo PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), xu thế hiện nay của các nước trên thế giới có biển hay không có biển đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển.

TPHCM tiếp cận trực tiếp với biển tại Vịnh Cần Giờ, với diện tích 42.000 km2, chiếm tỉ trọng lớn trong xuất nhập khẩu thông qua nhóm cảng lớn nhất cả nước. Định hướng chiến lược để TPHCM cất cánh, có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển phát triển mạnh mẽ, kết nối quốc tế và khu vực đã trở thành nhu cầu tất yếu. Vì vậy, TPHCM cần giữ vững vai trò nhạc trưởng trong Liên kết vùng với 8 tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế của ĐBSCL, Tây nguyên và Nam Trung bộ, nhất là trong bối cảnh xuất hiện các “cửa ngõ” hàng không và cảng biển quốc tế mới, như Long Thành, Cái Mép-Thị Vải, Bến Tre, Trần Đề...

Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại Vịnh Cần Giờ tạo “mặt tiền” biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TPHCM trở thành một thành phố “cửa ngõ” kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, kết nối vùng hiện nay luôn được xem xét theo định hướng tạo được một hệ sinh thái kinh tế bền vững, trong đó mọi liên kết là cộng sinh, tương hợp với nhau, cần đến  nhau để mang lại hiệu quả phát triển và tránh đi các liên kết loại trừ nhau.

Khi nhìn TPHCM với vai trò là thành phố biển hiện đại, huyện Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Cần Giờ, ngoài chức năng là một khu rừng ngập mặn, còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển. Vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn.

Do đó, cần hoàn chỉnh một hệ thống chỉ số để đánh giá phát triển, giúp TPHCM tạo được những bước đi vững chắc. Đặc biệt, cần tổ chức hệ thống giám sát, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra các quyết định chuyển đổi một cách hiệu quả.

Trước mắt, TPHCM có thể hình thành một hệ thống thống kê số liệu mở rộng của hệ thống quốc gia hiện hành sao cho có thể tính toán được tất cả các chỉ số cần thiết. Các chỉ số đó là công cụ để đánh giá quá trình phát triển và quyết định điều chỉnh khi cần thiết.

Lê Anh

Top