Người phụ nữ mang hết vàng cho người dưng mượn sửa nhà

12/12/2019 10:21 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm liền mang cơm cho người lớn tuổi, neo đơn, mang hết vàng dành dụm được cho người dưng mượn sửa nhà, …có mấy người như chị?

Bà Dương Ái Kình: “Có sức là tôi còn làm, còn niềm vui”. Ảnh: VGP/Huy Phạm

Đó là vài câu chuyện bên lề mà người dân khu phố 4 (phường 4, quận 3) kể về bà Dương Ái Kình (70 tuổi, người Hoa), Tổ trưởng Tổ người Hoa, chi hội trưởng Phụ nữ Khu phố 4. 70 tuổi với hơn 40 năm gắn bó với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, người phụ nữ này dường như dành trọn cả cuộc đời mình cho công tác xã hội.

Mang hết vàng dành dụm cho người dưng mượn

Bước đi khoẻ mạnh, giọng nói sang sảng và nụ cười luôn thường trực…nhìn bà Kình ít ai nghĩ người phụ nữ này đã 70 tuổi. Ở cái tuổi mà đáng lẽ cần nghỉ ngơi, an dưỡng, sum vầy bên con cháu, bà lại xem các công việc xã hội như niềm vui lẽ sống của cuộc đời mình. “Người ta chẳng bảo cho đi là còn mãi còn gì. Tôi độc thân nên niềm vui của tôi là từ công tác xã hội, giúp được ai thì tôi giúp. Vậy thôi”, bà Kình cười chia sẻ.

Nhắc tới chuyện người ta kể bà từng mang hết vàng cho một người dưng mượn sửa nhà, bà xua tay: “Người ta cứ nói quá thôi. Mà bà ấy đâu phải người dưng, bà người Hoa, sống ngay trong khu phố này, tôi biết bà ấy là người rất thật thà”.

Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, hồi đó trong khu phố này có bà H đã lớn tuổi. Ngày trước bà H sống cùng người em trai trong căn nhà do cha mẹ để lại. Sau này, căn nhà chia đôi, mỗi người nửa để ở riêng. “Nói nhà nhưng thực chất chỉ còn cái nóc, dột nát tứ tung, sống sao được. Bà có hỏi mượn tiền để sửa. Tôi nói tôi có 3 chỉ vàng dành dụm được, chị cầm trước”, bà Kình trầm ngâm nhớ lại.

3 chỉ vàng thời điểm đó là cả số tiền không nhỏ. Nhưng vẫn chưa đủ, bà chia sẻ trường hợp này với nhiều người và đề xuất phụ nữ quận cho bà H mượn thêm 15 triệu đồng để sửa nhà, có chỗ trú mưa che nắng. Căn nhà được sửa sang lại, khang trang hơn, không còn thủng chỗ nọ, bít chỗ kia như trước nữa. Nhiều năm sau đó, bà H cũng đã tìm cách trả lại số vàng cùng số tiền mượn năm xưa cho những ân nhân của mình. “Tôi nói bà ấy thật thà mà. Tôi để vàng đó cũng đâu làm gì đâu”, bà Kình bật cười nhớ lại.

Một trường hợp khiến bà luôn đau đáu là câu chuyện của bà M, một người dân sống lâu năm ở khu phố này. Bà M đã ngoài 90 tuổi, mắt mờ, lưng còng rạp xuống, đi lại rất khó khăn. Bà M có con cái nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cháu cũng phải tất bật với vòng xoáy mưu sinh…Biết được hoàn cảnh này, nữ tổ trưởng quyết định chia sẻ câu chuyện và nhận được sự hỗ trợ của một người phụ nữ bán cơm tấm ngay trong khu phố. “Mỗi ngày cô ấy cho một suất cơm, tôi qua lấy mang vào cho bà M. Người ta góp công vậy, tôi chỉ góp chút sức của mình thôi. Cũng được vài năm thì bà M mất …”, nữ tổ trưởng 70 tuổi lặng người.

Những giấy khen, kỉ niệm chương được bà cất kĩ trong hộc tủ, có những bằng khen giấy đã ngả vàng. Ảnh: VGP/Huy Phạm

“Muốn thưa thì thưa cho đích danh”

Tôi đặt câu hỏi: 42 năm gắn bó với hoạt động xã hội là vậy, có giây phút nào bà muốn nghỉ ngơi thậm chí muốn bỏ nghề?

Lặng người một lúc bà Kình kể chuyện, cái nghề này nhiều niềm vui mà cũng có nỗi buồn. Nghề nào chẳng vậy. Nhưng thi thoảng cũng có những trường hợp khiến bà suy nghĩ, chạnh lòng. “Có lần tôi bị chửi ngay giữa đường vì không cho người này mượn tiền. Có lúc chỉ muốn bỏ nghề luôn. Sau đó, tôi nói với họ: Tôi làm gì không đúng, tắc trách anh chị cứ làm đơn thưa để xử lý. Muốn thưa thì thưa cho đích danh, đừng đứng ngoài đường chửi đổng vậy. Họ không nói gì nữa”, bà Kình kể chuyện.

Hỏi ra mới biết một trong những công việc hiện tại của bà là Tổ trưởng tổ tín dụng ngân hàng chính sách xã hội. Bà cho biết Quỹ Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cho một số đối tượng vay nhất định như: sinh viên vay tiền đi học. Nhưng kèm theo đó cũng phải có một vài giấy tờ yêu cầu bắt buộc như giấy báo nhập học…Có nhiều người không thuộc diện vẫn muốn vay quỹ vì lãi suất thấp. Cũng có những người suốt ngày lô đề cờ bạc, game bắn cá cũng tới bà hỏi mượn vay tiền quỹ. Là người dân địa phương sống ở đây đã lâu năm, với trách nhiệm của mình, bà biết để đề xuất ý kiến trường hợp nào vay, trường hợp nào không. Sinh viên vay thì có quỹ riêng, người đi làm vay thì có quỹ riêng. Người dân chưa hiểu thì bà giải thích cho họ hiểu.

Là tổ trưởng tổ tín dụng ngân hàng chính sách xã hội, bà phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân phường và Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ các hộ người dân tộc Hoa và dân tộc khác trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách với lãi suất thấp. Trong 5 năm qua, bà và các thành viên trong Hội đã phối hợp với Ủy ban nhân dân và ban ngành đoàn thể phường trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, Phường 4 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Có sức là tôi còn làm, còn niềm vui. Thực ra ăn thua là cái tâm mình nhịn được”, bà Kình cười chia sẻ.

Với những nỗ lực, đóng góp và thành tích nổi bật trong các hoạt động công tác xã hội, bà Dương Ái Kình được bầu chọn tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ 3, sẽ diễn ra từ ngày 11-12/12 tới và là một trong số những gương điển hình được đề nghị khen thưởng bằng khen của UBND và giấy khen của Ủy ban Dân tộc TPHCM.

Huy Phạm

Top