Người dân miền Tây ứng phó với hạn mặn như thế nào?

25/03/2020 10:38 AM

(Chinhphu.vn) - Hạn hán và xâm nhập mặn khiến sản xuất và đời sống của người dân các tỉnh ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Người dân ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chuyên chở nước ngọt từ các điểm cung cấp nước ngọt chung. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL xuất hiện từ cuối tháng 12/2019 và kéo dài đến nay. Hạn mặn không chỉ khiến nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng, mà còn gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân, nhất là vấn đề thiếu nước ăn, sinh hoạt.

Linh hoạt trong mùa vụ, cây trồng

Nguồn thu nhập chính của các hộ dân ở ĐBSCL chủ yếu dựa vào hoa màu và cây ăn quả. Những năm qua, do hạn mặn kéo dài và phức tạp, nên hàng nghìn hecta lúa, cây ăn trái của người dân bị thiệt hại lớn, thậm chí mất trắng vì không có nước tưới. Rút kinh nghiệm từ mùa hạn mặn năm 2016, nhiều địa phương đã chủ động đề ra các giải pháp để sống chung với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Ông Hồ Văn Thương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) cho biết, huyện đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sản xuất vụ Đông Xuân. Đồng thời, vận động bà con trữ nước mưa, nước ngọt trong hồ, mương vườn để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Năm nay, mặc dù hạn hán và mặn xâm nhập sâu, tình trạng thiếu nước diễn ra, gây nhiều khó khăn, nhưng thay vì chống chọi, người dân Ba Tri đã có sự linh hoạt trong sản xuất và mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại, mang lại thu nhập trong mùa hạn mặn.

Ông Bùi Quang Đức (xã An Bình Tây) cho hay, gia đình ông có khoảng 1,5 ha lúa. Năm nay, do lo ngại mặn xâm nhập nên ông đã chủ động chuyển sang trồng rau cải, ổi trên một phần diện tích đất để tránh bị lãng phí, giảm bớt thiệt hại.

Tương tự, gia đình ông Lê Tấn Đức (thị trấn Ba Tri) cũng phải bỏ hoang 0,5 ha lúa trong vụ này, tuy nhiên ông cùng nhiều hộ dân khác đã tận dụng nguồn lúa đang trổ bông để làm thức ăn cho bò, dê.

Theo ông Hồ Văn Thương, nhờ thực hiện nghiêm khuyến cáo của chính quyền địa phương, diện tích cây ăn trái, hoa màu bị thiệt hại của các hộ dân ở Ba Tri đã giảm, không mất trắng như những mùa hạn mặn trước.

Tới đây, đối với những vùng cuối nguồn, lượng nước không đảm bảo, huyện sẽ chỉ đạo người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng trồng cỏ nuôi bò, giúp bà con có thu nhập ổn định hơn.

Đưa nước về cứu vườn sầu riêng tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Chủ động sống chung với hạn mặn

Nhằm hạn chế tình trạng khan hiếm nước trong sản xuất, từ những ngày đầu mùa hạn mặn, các nhà vườn ở ĐBSCL đã chủ động đào kênh, mương để trữ nước, đồng thời, sử dụng các nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, lục bình, cỏ khô, màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ độ ẩm cho cây. Các nhà vườn cũng chú trọng đến khâu chăm sóc cây như cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết tháng 5, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp so với trung bình nhiều năm từ 10-20%. Sau ngày 15/3, xâm nhập mặn ở sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3 này.

Tại tỉnh Tiền Giang, hiện có hơn 79.000 ha cây ăn trái. Vùng cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn thuộc phía nam Quốc lộ 1A là hơn 36.000 ha, trong đó, diện tích cây ăn trái mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ là hơn 24.000 ha, gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa, thanh long…

Toàn tỉnh cũng có hơn 80.000 ha diện tích lúa đã xuống giống. Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh khuyến cáo bà con không xuống giống sau ngày 10/3. Đối với các khu vực có độ mặn duy trì ở mức cao (trên 1 g/l) thì thực hiện cắt vụ Xuân Hè để chuyển sang sản xuất vụ Hè Thu 2020.

Để trữ ngọt cho sản xuất, Tiền Giang cũng phối hợp với Long An đắp 6 đập là Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè và các cống trên Quốc lộ 62. Đồng thời, đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành để phục vụ sản xuất trên 80.000 ha và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800.000 hộ dân của huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông.

Tỉnh cũng bố trí 10 thuyền máy bơm tổng công suất 2.200 m3/h, tổ chức được 12 điểm cấp nước, vận hành 8 giếng khoan, mở 67 vòi nước công cộng để cấp nước miễn phí cho các hộ dân ven biển, ven sông… Đến nay, tỉnh đã đảm bảo nước sinh hoạt cho hơn 1,1 triệu hộ dân, gồm 800.000 hộ ở Tiền Giang và 300.000 hộ ở Long An.   

Còn với Bến Tre, nhằm đảm bảo sinh hoạt cho người dân, tỉnh đã cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ nhiều bồn nước, thùng chứa nước, máy lọc nước để cấp phát cho bà con trong tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã vận động được nhiều phương tiện của các đơn vị hải quân, Quân khu 9 và nhiều tổ chức tham gia chở nước sinh hoạt cung cấp cho người dân trong thời gian qua.

Nguyễn Kim

Top