TPHCM thông tin về ngày đầu tiên tăng cường giãn cách

23/08/2021 6:54 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 23/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải đánh giá, khi thưc hiện Công điện số 1099 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, TPHCM có 5 thuận lợi hơn so với trước. Đó là lực lượng và phương tiện được tăng cường, thuốc cung cấp nhiều hơn, hệ thống tổ chức của cơ sở có kinh nghiệm hơn, tỷ lệ tiêm vaccine cũng nhiều hơn.

Người dân đã rất có ý thức thực hiện nghiêm các yêu cầu về siết chặt giãn cách Trong ngày đầu tiên (23/8), đường phố đã vắng vẻ hơn rất nhiều, số người ra đường đã giảm 85%.

Theo ông Phạm Đức Hải, TPHCM xét nghiệm toàn bộ đối với người ở "vùng xanh", "vùng vàng", "vùng cam" và "vùng đỏ". Khi xét nghiệm nhiều, dự báo khả năng F0 sẽ tăng. Tuy nhiên, bản thân F0 cần bình tĩnh, liên hệ trạm y tế lưu động, liên hệ với đội phản ứng nhanh để được tư vấn, hỗ trợ. Đối với F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ và có điều kiện điều trị tại nhà thì sẽ điều trị chăm sóc tại nhà.

Ông Phạm Đức Hải cho biết, Trường Đại học Y dược TPHCM phối hợp với UBND Quận 10 để tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho F0 tại nhà với số lượng 2.200 người và 80% đã khỏi bệnh.

“Trường hợp F0 không có điều kiện, hoặc triệu chứng nặng, có bệnh nền thì đưa vào cơ sở cách ly tập trung”, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải nói.

Về việc mua thuốc và khám bệnh, ông Phạm Đức Hải cho biết, các tiệm thuốc tây vẫn mở nhưng người dân không được đi mua, vì thực hiện triệt để giãn cách xã hội. Mỗi một phường, xã, thị trấn có một tổ công tác đặc biệt giúp người dân mua thuốc. Đối với các bệnh không phải COVID-19, người dân đến bệnh viện khám. Đối với người mắc COVID-19, người dân liên hệ với tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động và trung tâm 115.

“Về việc lưu thông từ nhà tới bệnh viện, đối với bệnh thông thường, người dân gọi taxi Vinasun và Mai Linh. Hiện nay, TPHCM có 500 xe của 2 hãng này hoạt động để phục vụ nhu cầu người dân. Đối với trường hợp F0 chuyển nặng, thì có 260 xe của Phương Trang hoán cải, phân bổ về 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức để phục vụ người dân”, ông Phạm Đức Hải thông tin.

Liên quan đến việc đi từ nhà ra sân bay bằng cách nào để xuất ngoại trong thời điểm giãn cách xã hội, ông Phạm Đức Hải cho hay, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chốt kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho người có vé máy bay ra nước ngoài để tới các cảng hàng không quốc tế.

Trong quá trình di chuyển từ nơi xuất phát tới cảng hàng không quốc tế, người có vé bay đi nước ngoài phải thực hiện nguyên tắc: Phải xuất trình hộ chiếu, visa có hiệu lực, vé máy bay, giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, thực hiện khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K. Đảm bảo 1 người đi 1 xe, không đi chung xe, trừ trường hợp người trong cùng một gia đình.

Hệ thống hóa lại việc phân phối hàng hóa hỗ trợ

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Giám đốc Trung tâm An sinh TPHCM cho biết, từ khi đi vào hoạt động, điều quan trọng mà Trung tâm làm được là hệ thống hóa lại việc phân phối hàng hóa hỗ trợ. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và phân phối hơn 53,2 tỷ đồng.

Về hàng hóa, từ ngày 15/8 đến 21/8, Trung tâm đã tiếp nhận và phân phối nhu yếu phẩm trị giá hơn 14,5 tỷ đồn tới các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Trung tâm cũng phân phối khoảng 7,6 tỷ đồng tới các bếp ăn từ thiện có quy mô lớn (500 – 1.000 suất/bếp), đảm bảo hơn 50.000 suất ăn/ngày đối với các bệnh viện, khu cách ly, người yếu thế, người khuyết tật, không có bếp ăn…

Đặc biệt, từ ngày 20/8 đến ngày 22/8, Trung tâm có chương trình SOS để chăm lo, hỗ trợ cho các trường hợp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ. Trong 2 ngày qua, chương trình SOS đã hỗ trợ 496 phần quà, trong đó có 316 phần quà thông qua Tổng đài 1022.

Ngoài ra, Trung tâm có sự hỗ trợ đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ về dinh dưỡng, lương thực, thực phẩm. Những công việc trọng tâm mà Trung tâm đang làm là chuẩn bị 2 triệu túi an sinh với mỗi phần quà trị giá khoảng 300.000 đồng để chăm lo thêm cho người dân ngoài gói hỗ trợ của TPHCM.

Quy mô 2 triệu túi an sinh cần khoảng 600 tỷ đồng. Vì thế, trung tâm đã và đang vận động nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân và quỹ phòng chống COVID-19.

Đến nay, Trung tâm đã chuẩn bị được 1,8 triệu phần quà và đang tiếp tục vận động thêm. Riêng đối với F0, túi an sinh còn có thêm sữa, cháo dành cho người ốm.

Trước phản ánh của một số người dân đi tiêm vaccine sáng 23/8 nhưng không được qua chốt, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã có quy định cụ thể những đối tượng được phép lưu thông. Với người đi tiêm vaccine phải có phiếu hẹn tiêm hoặc tin nhắn hẹn tiêm.

“Chúng tôi chỉ chấp nhận những trường hợp do doanh nghiệp tổ chức đi tiêm tập trung chứ không đi đơn lẻ bằng xe cá nhân”, Thượng tá Lê Mạnh Hà giải thích thêm.

Tại buổi họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị ngành y tế TPHCM yêu cầu các xe cứu thương tạm dừng việc hú còi cả ngày và đêm. Đồng chí phân tích, người dân đã hưởng ứng, tuân thủ giãn cách xã hội, không lưu thông dày đặc, đường phố có sự thông thoáng. Vì thế, các xe cứu thương nên bật đèn xoay, không nên hú còi, dội vào lòng dân thêm sự lo lắng, hoang mang.

“Cần hết sức tránh những tác động tâm lý gây hoang mang, lo lắng”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.

theo SGGP

Top