Nâng cấp hệ miễn dịch để đẩy lùi COVID-19

18/10/2021 1:28 PM

(Chinhphu.vn) - Tại hội thảo trực tuyến “Hệ miễn dịch và vai trò trong phòng chống COVID-19” do Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ phối hợp với Đại học Y dược TPHCM và một số đơn vị vừa tổ chức ở TPHCM, các chuyên gia đều cho rằng, việc duy trì được hệ miễn dịch tự nhiên cùng với chủ động tiêm vaccine để có hệ miễn dịch thích ứng đủ mạnh sẽ là giải pháp quan trọng giúp bảo vệ mỗi người trước các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trong đó có virus SARS-CoV-2.

Người bệnh nên có cách sinh hoạt, ăn uống, tập luyện hợp lý để tạo hệ miễn dịch tốt hơn.

Tầm quan trọng của vaccine

Không thể cứ mãi giãn cách xã hội, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc thích ứng linh loạt, tìm cách sống tốt nhất trong môi trường có dịch bệnh COVID-19 sẽ giúp hạn chế được nhiều bất cập liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa… Thế nhưng, để có thể dần thích nghi với việc “sống chung với COVID-19”, đòi hỏi bản thân mỗi người phải có sự chuẩn bị thật tốt về thể chất cũng như tinh thần, biết cách tận dụng vai trò của hệ miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng, giảm mức độ phá hủy, lây lan của loại virus nhiều biến thể này.

Theo các chuyên gia, mỗi người được sinh ra đều có một mức độ miễn dịch và sức đề kháng nhất định và chúng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một “ngân hàng” kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai. Cơ chế này là nguyên lý tạo ra vaccine, tức đưa những mầm bệnh đã được làm yếu vào trong cơ thể nhằm tạo điều kiện cho hệ miễn dịch ghi nhớ, học tập rồi tạo ra kháng thể và ngăn chặn bệnh.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới và cả ở Việt Nam cho thấy, người cao tuổi và có bệnh nền là nhóm nguy cơ cao với virus SARS-CoV-2 do nền tảng thể lực kém. Đây cũng là đối tượng được xếp vào nhóm tỉ lệ tử vong cao nếu chẳng may mắc COVID-19. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, ngay cả người trẻ tuổi nếu không có chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý để duy trì sức khỏe cho hệ miễn dịch tự nhiên, việc virus xâm nhập, chuyển nặng nhanh chóng là điều có thể xảy ra. Vậy nên, trước khi bị virus tấn công, việc tạo sức đề kháng cho cả hai hệ miễn dịch tự nhiên và thích ứng là vô cùng cần thiết. Trong đó, nhóm nguy cơ cao cần được ưu tiên triển khai tiêm vaccine phòng bệnh.

Hiện có khá nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại các quốc gia. Các loại vaccine khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Nhưng Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Đại học Y dược TPHCM) cho rằng, với tất cả các loại vaccine, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T, lympho B giúp ghi nhớ cách chống lại virus trong tương lai. Thông thường, vài tuần sau khi tiêm chủng, cơ thể mới sản sinh ra tế bào lympho T và lympho B. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch. 

Bác sĩ Bay cho rằng, đối với các loại virus gây bệnh truyền nhiễm, việc tạo sức đề kháng cho hệ miễn dịch tự nhiên là cần nhưng chưa đủ. Do vậy, vaccine sẽ đóng vai trò bổ trợ, góp phần bảo vệ cơ thể trong quá trình chống lại bệnh tật. Điều này vô cùng quan trọng với nhóm nguy cơ cao. Vaccine còn giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện/tử vong cũng như phòng ngừa di chứng lâu dài. Khi người dân được phủ đủ các mũi vaccine phòng bệnh đồng nghĩa với việc hệ thống y tế sẽ được giảm tải, áp lực kinh tế cũng nhờ đó mà nhẹ đi.

Với các loại virus gây bệnh truyền nhiễm, việc tạo sức đề kháng cho hệ miễn dịch tự nhiên là cần nhưng chưa đủ. Do vậy, vaccine sẽ đóng vai trò bổ trợ, góp phần bảo vệ cơ thể trong quá trình chống lại bệnh tật.

Giải quyết vấn đề “hậu COVID-19”

Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet cách đây không lâu đưa ra những dữ liệu toàn diện về các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19. Nghiên cứu này khảo sát 3.762 bệnh nhân COVID-19 tại 56 quốc gia (từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020) cho thấy, trung bình bệnh nhân gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng có 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể, như: Sương mù não, ảo giác, mệt mỏi, run và ù tai… Điều đáng lo là 1/3 triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất sáu tháng kể từ khi nhận kết quả “âm tính”. Khoảng 22% số người được khảo sát cho biết họ không thể làm việc hoặc bị sa thải sau khi mắc COVID-19; 45% người phải giảm cường độ làm việc.

Có đến 80% người mắc COVID-19 sẽ còn tồn tại dai dẳng ít nhất một hoặc vài trong số 55 triệu chứng “hậu COVID-19”. Những triệu chứng thường gặp bao gồm mệt mỏi (58%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%), khó thở (24%), mất vị giác (23%), mất mùi (21%), ho (19%), nặng ngực (16%)… Nguyên nhân của các triệu chứng này là do tác động trực tiếp của virus SARS-CoV-2 kết hợp với việc điều trị kéo dài gây nên. Tình trạng này thường được ghi nhận ở những F0 cao tuổi, nhiều bệnh nền, đợt nhiễm cấp tính có triệu chứng nặng, kéo dài, thời gian nằm viện lâu. Tuy nhiên, những F0 trẻ khỏe mà trước đó triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn chịu tác động hậu COVID-19 với tỉ lệ 20-30%.

Theo bác sĩ Đào Văn Lượng - Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, rất nhiều người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc bệnh COVID-19 đang đối mặt với những di chứng kéo dài. Do vậy, ngay khi hết bệnh mỗi cá nhân đừng chủ quan mà phải dành thời gian lắng nghe cơ thể và nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ nếu chưa thực sự an tâm. Tuy nhiên, không nên quá lo sợ vì các triệu chứng này sẽ dần giảm hoặc mất đi theo thời gian. Căng thẳng, lo lắng đôi khi làm cho triệu chứng nặng thêm. Ví dụ như triệu chứng khó thở. “Hãy cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, không vội vàng. Người bệnh trong giai đoạn “hậu COVID-19” cần xây dựng lịch làm việc, học tập điều độ, nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, nên áp dụng các hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà như tập thở, thể dục, thư giãn… Người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chức năng điều trị, phục hồi chức năng khám ngay và điều trị kịp thời nếu có các triệu chứng nặng lên hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm”, bác sĩ Lượng nhắn nhủ.

Bác sĩ CKII Trần Văn Năm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM cũng đưa ra dự báo hậu COVID-19 với những triệu chứng tương tự và cung cấp hướng xử trí. Theo bác sĩ Năm, với hệ Hô hấp, việc cần nhất là làm loãng đờm, cải thiện thông khí, điều hòa miễn dịch. Hệ Thần kinh - Tuần hoàn cần được tạo điều kiện tốt để lưu thông máu; kiểm soát rối loạn đông máu; chống rối loạn lo âu, giảm tập trung, chóng mặt, mất trí nhớ. Hệ Tiêu hóa thì cần đủ dinh dưỡng, đủ enzyme, cân bằng lợi khuẩn. Hệ vận động cũng cần được tăng cường, đề phòng tổn thương dây chằng, gân, cơ, khớp, xương, nguy cơ loãng xương….

Hậu COVID-19, cơ thể người bệnh chịu tổn thương theo nhiều cấp độ khác nhau, vì vậy rất cần một chế độ dinh dưỡng, tập luyện tích cực để tăng sức đề kháng, phục hồi chức năng, sống lâu dài với virus SARS-CoV-2. Bác sĩ Năm khuyên người bệnh nên thay đổi cách sinh hoạt, ăn uống, tập luyện để tạo hệ miễn dịch tốt hơn: “Chúng ta cần uống đủ nước sạch (ấm), bổ sung rau trái cây tươi (đa dạng màu - vị), ưu tiên loại rau vừa là thuốc. Hạn chế đường tinh, dầu béo, thức ăn chế biến sẵn…Cần tập luyện cho cả tâm lẫn thân đều đặn, chú ý thở đúng. Cơ thể nên được thanh lọc để hạn chế độc chất và bổ sung các dược liệu phù hợp với cơ địa như: linh chi, sâm (sâm bố chính, sâm đại hành), tảo (Fucoidan), đinh lăng…”./.

Gia Mỹ

Top