Khởi công xây dựng cầu dây văng Phước Khánh

18/07/2015 3:05 PM

Ngày 18/7, tại huyện Cần Giờ, TPHCM, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC – chủ đầu tư) đã tổ chức động thổ gói thầu xây lắp J3 - Cầu dây văng Phước Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Lễ động thổ xây cầu Phước Khánh. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng VEC cho biết: Gói thầu J3 (giá trị trúng thầu là 2.844 tỉ đồng do liên danh Sumitomo Mitsui Construction và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 thi công) có lý trình bắt đầu từ km 29+264 (tiếp giáp gói thầu J2 vốn Jica tài trợ) đến km32+450 (tiếp giáp gói thầu A5 vốn ADB tài trợ) với tổng chiều dài gần 3,2km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cầu dây văng Phước Khánh rộng 21,75m, được thi công đúc hẫng cân bằng, gồm 17 nhịp cầu dẫn kết cấu dầm Super-T. Cầu có trụ cao 139,5m, là cầu dây văng 3 nhịp có kết cấu móng vòng vây cọc ván thép, tương tự cầu dây văng 5 trụ Nhật Tân tại Hà Nội. Trong gói thầu J3, nhà thầu sẽ thi công hơn 29.000m dài cọc khoan nhồi các loại, 6.252m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5m, 106.473m3 bê tông các loại, 12.435 tấn thép, hơn 322 bộ gối cầu…  

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, dài 57,1km đi qua Long An, TPHCM, Đồng Nai. Đây là đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.

Do dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp, nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn, trong đó có cầu dây văng Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76km nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ (TPHCM), khẩu độ nhịp chính dài 375m và cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,2km nối huyện Cần Giờ (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), khẩu độ nhịp chính dài 300m. Cả 2 cầu này có khổ tĩnh không thông thuyền cao 55m. 

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 1,607 tỉ USD trong đó vốn vay của ADB là 636 triệu USD, của Jica là 635 triệu USD. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ.

Nam Đàn

Top