Hướng đi nào cho giao thông thông minh ở TPHCM?

04/07/2019 1:12 PM

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng để áp dụng công nghệ vào công tác quản lý vận hành giao thông công cộng (GTCC), việc cần làm đầu tiên là cải tổ mô hình quản lý giao thông. Quy hoạch, cung cấp hạ tầng: Yêu cầu cấp thiết để phát triển ngành dịch vụ

Ảnh minh họa.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Phát biểu tại Hội thảo phát triển dịch vụ của TPHCM và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020-2030 được tổ chức ngày 3/7, GS. Gyeng Chul Kim, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cho biết, thành công trong phát triển hệ thống GTCC của Hàn Quốc dựa trên 4 yếu tố.

Thứ nhất, sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giải quyết GTCC. Hiện tất cả các phương tiện công cộng ở Seul đều có hệ thống GPS cung cấp dữ liệu, giúp theo dõi lộ trình các chuyến xe, quản lý nguồn cung, điều tiết mật độ giao thông, dịch vụ cho phù hợp, đồng thời là cơ sở lập kế hoạch nâng cấp hệ thống.

Người dân sử dụng thẻ thông minh và điện thoại thông minh để thanh toán khi đi xe bus, với tỷ lệ lần lượt là 80% và 20%. Điều này vừa giúp hạn chế tiền mặt trong lưu thông vừa làm minh bạch thông tin.

Internet of things (IOT) cũng được sử dụng để biết số ghế xe bus còn trống, thông tin được kết nối trực tiếp vào điện thoại của hành khách đem lại những thuận tiện, tối ưu hoá dịch vụ GTCC, giảm tắc nghẽn.

Đối với taxi, hệ thống phân tích dữ liệu tính toán được tình trạng lưu thông trên các tuyến đường, trả lời taxi tới điểm đón có bị chậm hay không, giúp hành khách nhanh chóng lựa chọn được phương thức phù hợp.

Tại Seul, nhiều cổng soát vé tàu điện sử dụng năng lượng mặt trời và tự ngắt khi không có khách đi qua để tiết kiệm điện năng, thậm chí nhiều bến, trạm không cần cửa soát vé. Tỷ lệ sở hữu xe hơi ngày càng giảm và người dân ưa thích sử dụng các phương tiện công cộng hơn.

Điều thứ 2 tối quan trọng chính là dịch chuyển về tư duy của nhà nước trong quản lý giao thông. Toà thị chính của Seul trước đây là một điểm “nút” giao thông luôn trong tình trạng kẹt cứng, nhưng ngày nay được chuyển thành khu vực đi bộ. Chính phủ Hàn Quốc cũng thực nhiều nhiều chính sách từ khuyến khích người dân giảm phương tiện cá nhân đến đánh thuế, phí vào ô tô cũ làm tăng phát thải… Các cán bộ, công chức cũng được khuyến khích đi làm mỗi thứ 2 hằng tuần bằng xe bus.

Theo ông Kim, nếu không có quy hoạch tổng thể việc triển khai, hoàn thiện hệ thống GTCC rất khó. Kèm theo đó là tầm nhìn dài hạn, khả năng dự báo tình hình giao thông trong 5-10 năm nữa. Vấn đề ngân sách phát triển cũng là một câu hỏi khó, hiện Hàn Quốc đang sử dụng thuế nhiên liệu, phí đậu xe, phí phạt vi phạm để tạo ngân sách cho GTCC.

Cuối cùng, ý chí chính trị và sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan quản lý về giao thông 5 “không”: Không CO2, không kẹt xe, không tai nạn giao thông, không xe chạy xăng dầu, và không có bất công trong GTCC đóng vai trò then chốt trong thành công của Hàn Quốc.

Hướng đi nào cho TPHCM

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức, Việt Nam có thể mua rất nhanh các hệ thống công nghệ phát triển giao thông thông minh, nhưng quan trọng là “cho cái gì vào hệ thống đấy?”, câu trả lời là dữ liệu.

Vì vậy, cái gốc của giao thông thông minh, thành phố thông minh là phải xây dựng hệ thống dữ liệu mở, lúc đó mới có thể gia tăng tốc độ và năng cao hiệu quả của quá trình sản xuất dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ.

“Muốn làm tốt hơn phải hợp tác với tư nhân một cách khôn khéo và minh bạch. Nếu tư nhân thương mại hoá được hệ thống dữ liệu và trả tiền đầy đủ cho Nhà nước, Nhà nước có được nguồn ‘nuôi’ thì dịch vụ mới phát triển hiệu quả và bền vững được. Điểm yếu hiện tại là cơ chế khai thác sức mạnh tư nhân và các biện pháp khuyến khích các bên hợp tác với nhau”.

TS. Hiếu nhận định, không dễ để làm mọi thứ nhanh, nhưng trong bối cảnh công nghệ đã “rẻ” hơn, tiếp cận của người dân với các thiết bị thông minh cũng rộng rãi hơn, xây dựng hệ thống giao thông thông minh có thể tiến hành sớm hơn nhiều.

Từ Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, chuyên gia Vũ Anh Tuấn cho biết, hiện 3.000 xe bus ở TPHCM đã được lắp đặt GPS, dữ liệu được truyền về và lưu trữ tại máy chủ của Trung tâm quản lý GTCC TPHCM, tuy nhiên chưa được khai thác.

“Một vấn đề là dòng dữ liệu truyền về không liên tục, bị ngắt quãng. Có lúc xe bus ở trên đường, lúc lại nhảy lên toà nhà, dẫn tới sai số lên tới 50 m, vì vậy cần có công nghệ xử lý ‘nhiễu’ dữ liệu thì mới đem vào phục vụ bài toán quản lý điều hành, phương tiện nào cung cấp thông tin cho hành khách ra sao. Ví dụ dự báo xe bus đang ở đây thì bao nhiêu phút nữa tới trạm người dân đang chờ, không đơn giản là khoảng cách mà phải tính được với tốc độ xe chạy thực tế thì mất bao nhiêu thời gian để tới, đôi khi chỉ 200m mà mất tới 15-20 phút vì đường tắc”, ông Tuấn lý giải.

Ông Tuấn cho biết, việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành các hoạt động giao thông bao gồm GTCC và phương tiện cơ giới là xu hướng tất yếu, tuy nhiên để thực hiện được cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược thực hiện và các dự án đầu tư. Muốn vậy, phải có chính sách thu hút đầu tư tư nhân, cung cấp nguồn vốn, những việc không thể chỉ “trên giấy” mà thành hiện thực.

Hiện tại, tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Sở Giao thông vận tải) đã có trang điện tử cung cấp thông tin khá chính xác về tình hình giao thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên hệ thống lấy dữ liệu từ các taxi hợp đồng phải qua nhiều đơn vị trung gian chứ chưa trực tiếp vào máy chủ của Thành phố.

Một ý tưởng cho GTCC là thẻ xe bus thông minh, ông Tuấn cho rằng việc áp dụng là cần thiết nhưng có khả thi không còn phụ thuộc vào các mô hình quản lý,đầu tư, thực hiện.

Cũng theo ông Vũ Anh Tuấn, TPHCM đã có một vài đề án đưa thẻ thông minh vào, có tổ chức đấu thầu nhưng không thành công vì còn tồn tại một số vấn đề chưa được quy định rõ ràng như: Chi phí - Ai là người chi trả? Rủi ro - Phân chia trách nhiệm và phân bổ rủi ro như thế nào?... khiến cho người đầu tư chưa an tâm đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước cũng không an tâm phê duyệt những hợp đồng với tư nhân.

Vị chuyên gia này đề xuất, để áp dụng công nghệ vào công tác quản lý vận hành GTCC, việc cần làm đầu tiên là cải tổ mô hình quản lý giao thông của Thành phố.

Cụ thể, hiện nay Trung tâm quản lý GTCC (Sở Giao thông vận tải) đang ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ theo các tuyến và đơn vị vận hành được nhận tiền trợ giá (bằng tổng chi phí vận hành bao gồm cả lãi định mức trừ đi khoản doanh thu từ vé tối thiểu).

Tuy nhiên, cần chuyển đổi theo hướng cơ quan quản lý trả tiền cho công ty vận hành theo xe - cây số, còn lượng hành khách bao nhiêu cơ quan quản lý phải chịu trực tiếp những rủi ro. Lúc đó Trung tâm sẽ là đơn vị đầu tư hệ thống vé điện tử để sử dụng chung cho toàn mạng, cũng sẽ thực hiện được việc thu phí theo quãng đường đi lại, tiết kiệm chi phí cho hành khách.

“Nếu không làm được việc này mà chỉ áp dụng máy móc hệ thống thẻ thông minh thì sẽ không thành công và có rất nhiều rủi ro xảy ra, chủ yếu đến từ sự không thống nhất giữa các công ty vận hành và đơn vị quản lý. Công nghệ là công cụ nhưng có sử dụng được hay không phụ thuộc vào cách tư duy của chúng ta, cách vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thu Lê

Top