HoREA kêu gọi doanh nghiệp tham gia các chương trình lớn của TPHCM

09/06/2019 6:29 PM

(Chinhphu.vn) - HoREA một lần nữa kêu gọi các nhà phát triển bất động sản tham gia vào những chương trình lớn của TPHCM như: xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía đông TPHCM.

Hiện trên địa bàn TPHCM vẫn còn hơn 20.000 hộ dân đang sống ven và trên kênh rạch cần được cải tạo, di dời. Ảnh: VGP

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đưa ra hàng loạt khuyến nghị đối với doanh nghiệp bất động sản để ứng phó với lộ trình siết tín dụng vào khu vực này.

Theo đó, về “đối nội”, HoREA tin rằng để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thực hiện cũng như sự minh bạch trong quản trị. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án dự phòng nguồn vốn thay thế khi tín dụng ngày càng eo hẹp.

HoREA cũng đề cập tới những giải pháp lâu dài khác như: tăng vốn chủ sở hữu để “gia cố” nội lực; hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản mạnh; hoặc chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty đại chúng, thậm chí là niêm yết trên sàn chứng khoán để có điều kiện huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước tốt hơn.

“Thị trường chứng khoán là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng hàng đầu cho các doanh nghiệp bất động sản. Đây là xu thế phát triển tất yếu”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định.

Thực vậy, hiện thị trường bất động sản TPHCM đã ghi nhận nhiều tên tuổi các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài cùng tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án nhà đất. Trong đó, dẫn đầu là nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc...

Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng doanh nghiệp bất động sản sẽ có thể “điểm cộng” trong mắt người mua nhà nếu không ngừng nỗ lực để chứng tỏ sự chuyên nghiệp, năng lực, trách nhiệm xã hội và mong muốn phát triển bền vững. 

Về “đối ngoại”, theo HoREA, để huy động được vốn góp từ bên mua nhà, doanh nghiệp cần đặt lợi ích của người mua lên trên hết với cam kết về chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao, hậu mãi, cũng như quan tâm tới xu hướng phát triển không gian xanh, căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh…

Người đại diện HoREA cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên quan tâm hơn tới phân khúc thị trường nhà ở diện tích vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn). Bởi đây đang là phân khúc có sức cầu lớn, tính thanh khoản cao và bền vững.

Đồng thời kêu gọi các nhà phát triển bất động sản tham gia vào những chương trình lớn của TPHCM như: xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía đông TPHCM.

Cuối cùng, vị Chủ tịch HoREA một lần nữa nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần thượng tôn pháp luật, tức đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn về tài chính và tín dụng, đặc biệt coi trọng quản lý rủi ro các khoản vay trung - dài hạn có lãi suất thả nổi hoặc vay bằng ngoại tệ…

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%, tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên.

Đại diện các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, HoREA kiến nghị lựa chọn phương án siết tín dụng theo lộ trình. Cụ thể trước năm 2020 duy trì tỷ lệ 40%; Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021 tỷ lệ 37%; Từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 tỷ lệ 34%; Từ ngày 1/7/2022 tỷ lệ 30%.

Phương Hiền

Top