Họp báo TPHCM: Làm rõ nhiều vấn đề dư luận quan tâm

28/08/2021 8:23 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 28/8, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải đã chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM thông tin, TPHCM ghi nhận 194.596 trường hợp nhiễm COVID-19. Hiện các bệnh viện đang điều trị 38.559 bệnh nhân.

Về chiến dịch tiêm vaccine, TPHCM đang triển khai dựa trên sự tự nguyện của người dân. Đến ngày 26/8, Thành phố đã tiêm 5.741.654 liều vaccine (tăng 113.926 liều so với ngày 25/8), trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147.

Theo Quyết định 1415 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM được hỗ trợ 71.000 tấn gạo. Thành phố đã nhận đợt 1 với 14.500 tấn, nhanh chóng cấp phát cho người dân. Tổng cục dự trữ Quốc gia tiếp tục xuất kho 56.000 tấn cho Thành phố hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Điều chỉnh một số quy định giấy phép lưu thông

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, báo chí đã bám sát và phát hiện kịp thời các sự việc để Công an Thành phố điều chỉnh trong chỉ đạo. Thông tin chi tiết, ông Hà nói rằng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Công an Thành phố triển khai khai báo phần mềm y tế trên mã QR quản lý dân cư.

Do đây là bước đầu thực hiện, các tài xế chưa khai báo trước nên khi đến chốt khai báo sẽ có hiện tượng ùn ứ. “Qua thông tin này, chúng tôi khuyên người dân trước khi lưu thông trên đường thì nên khai báo trước và đến chốt trình thì sẽ được nhanh chóng lưu thông”, ông Hà lưu ý.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng thông tin thêm, qua thực tế việc cấp giấy đi đường cho các cơ quan, xuất hiện vướng mắc cho người dân, nên Công an Thành phố đã có thêm ba quy định mới.

Thứ nhất, đối với các xe chở nhân viên cơ quan, doanh nghiệp không có mã QR, chỉ cần một người trên xe có giấy đi đường thì được lưu hành… nhưng phải cùng một cơ quan, đơn vị. Ngồi trên xe phải bảo đảm giãn cách. Đây là quy định mới được triển khai.

Thứ hai, người dân đi xét nghiệm COVID-19, đi du học, người có vé máy bay về tỉnh khác thì không cần giấy đi đường vẫn được lưu thông. Tuy nhiên, phải có lộ trình phù hợp, chứng minh được các lý do như trên và phải xét nghiệm.

Thứ ba, nhân viên vận chuyển gas ở khu dân cư, quy định mới là bình gas đi giao 12 kg trở lên, chỉ cần có giấy giao hàng và khai báo y tế là được.

Xem xét cho shipper hoạt động liên quận

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương xác nhận, Sở đã đề xuất với UBND Thành phố cho đội ngũ shipper được giao hàng trở lại, các cơ quan tham mưu đang thảo luận, chưa có trả lời chính thức từ lãnh đạo Thành phố.

Theo ông Phương, đội ngũ shipper có lợi thế lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, có năng lực trong điều phối tiếp nhận thông tin giao nhận hàng hóa. Họ cũng được tiêm vaccine, có app quản lý và có kinh nghiệm nghiệp vụ bảo đảm an toàn trong giao dịch. Nếu cho phép shipper hoạt động liên quận thì giảm tải rất nhiều trong việc vận chuyển hàng hóa.

Theo đề xuất này, shipper đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 từ ngày 13/8 trở về trước được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội hiện tại.

Ước tính có 17.449 shipper đã tiêm mũi một trên địa bàn 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức tính đến 0h ngày 28/8. Sở Công Thương dự báo có thể huy động được 25.000 shipper. Còn tính theo 14 quận, huyện đã trừ vùng có nguy cơ cao thì còn khoảng 12.513 shipper.

Để bảo đảm an toàn chống dịch, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về Sở, đưa vào dữ liệu "tra cứu shipper", phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết.

Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Lô mì gói Hảo Hảo bị Ireland thu hồi không lưu hành ở Việt Nam

Một vấn đề được dư luận quan tâm là thông tin Ireland thu hồi lô hàng sản xuất từ Việt Nam, trong đó có mì Hảo Hảo lô sản xuất 10/5/2021.

Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam cho biết, công ty Acecook luôn nhận thức vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của một nhà cung ứng thực phẩm, trong đó mì ăn liền được xem là thực phẩm thiết yếu, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19.

Ông Kajiwara cho biết hiện công ty đang xuất khẩu cho 40 nước và thông tin đăng tải trên báo chí là vấn đề xảy ra ở Ireland.

Acecook Việt Nam cho biết theo thông tin từ Công ty quản lý thực phẩm Ireland, nước này đã thu hồi lô hàng xuất khẩu của Acecook Việt Nam với hai sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay (77 gr, ngày sản xuất 24/3/2021) và miến Good hương vị sườn heo (56 gr, ngày sản xuất 10/5/2021) là của Công ty Acecook Việt Nam, do liên quan việc chứa chất ethylene oxide.

“Chúng tôi khẳng định hai sản phẩm trên là xuất sang châu Âu, không lưu hành ở Việt Nam. Chúng tôi cam kết các sản phẩm tại Việt Nam đều an toàn và tuân thủ các quy định của Việt Nam. Chất cấm là chất được sử dụng với tác dụng tiệt trùng trong y tế và diệt vi sinh vật trong các gia vị được sử dụng ở nhiều quốc gia.

Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ các quy định. Chúng tôi đang tiến hành điều tra trên diện rộng, để làm rõ nguyên nhân và sự an toàn của các sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu, họ cam kết không sử dụng chất cấm nói trên”,vị đại diện nói.

Băng Tâm

Top