Hơn 70% công nhân lao động vẫn chật vật tự lo chỗ ở

25/09/2019 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Tại hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tiền Phong tổ chức sang ngày 24/9, nhiều chuyên gia cho biết nhu cầu nhà ở của công nhân hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, nhà nước và các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 28%.

Quang cảnh hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Quy hoạch tổng thể Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 định hướng năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg. Theo đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi đầu phát triển một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo mục tiêu phát triển của quy hoạch, đến năm 2020, các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP, trong đó tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt khoảng 44%. GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD; Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người lên 5.400 USD/ năm và đóng góp khoảng 55 - 60% thu ngân sách cả nước thời kỳ 2011 – 2020.

Đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế…

Là khu vực được đánh giá cao về nhiều mặt nhưng có một thực tế hiện này là điều kiện đảm bảo cuộc sống và làm việc cho công nhân lao động (CNLĐ) tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 1,7 triệu lao động.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, phần lớn CNLÐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên, nhà ở cho CNLÐ tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn CNLÐ đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động.

Theo báo cáo của các địa phương, riêng đối với dự án nhà công nhân hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2. Tuy nhiên, số nhà này chỉ mới bố trí cho ở cho khoảng 330.000, tức chưa đến 30%.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn. Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

Hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội và đa phần doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Do đó, theo ông Ninh, bên cạnh các giải pháp chung mang tính vĩ mô, rất cần những giải pháp cụ thể từ phía địa phương, doanh nghiệp để giúp ngày có them nhiều CNLĐ an cư để lạc nghiệp. Đó là những giải pháp quyết liệt hơn về đầu tư quỹ đất, vốn hỗ trợ triển khai dự án, các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện hiện tại…

Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay hầu hết các khu công nghiệp tập trung đều thiếu hoặc không có nhà ở cho CNLĐ. Số lượng công nhân tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ và các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho nhóm đối tượng này. Tỷ lệ lao động nhập cư chiếm trên 50% và ngày càng gia tăng đang tạo áp lực về vấn đề nhà ở khiến nhu cầu mở rộng các dự án trở nên bức thiết.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả hang loạt dự án nhà ở cho CNLĐ tại vùng kinh tế trong điểm phía Nam. Trước hết, cần xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với CNLĐ hỗ trợ tạo lập nhà ở, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường. Việc phát triển đồng bộ quy hoạch nhà ở và các tiện ích công cộng như trường học, bệnh viện, giao thông, siêu thị… cần được nhắm đến nhằm tạo dựng môi trường thích hợp cho CNLĐ an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội./.

Gia Mỹ

Top