Giảm tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản: HoREA nói gì?

16/10/2018 8:18 AM

(Chinhphu.vn) - HoREA cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực, hướng tới hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập, hình thành các tập đoàn mạnh, đặc biệt là với những đối tác có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị, kinh doanh từ khối đầu tư nước ngoài.

Thị trường địa ốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, do đó thông tin về lộ trình giảm tín dụng vào lĩnh vực này khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lo ngại.

Trong một khuyến nghị gửi tới các doanh nghiệp (DN) nhà đất mới đây, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng để thích nghi với lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại (từ mức 45% hiện nay về mức 40% từ 01/01/2019), DN cần hết sức minh bạch hóa hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời cần có phương án sẵn sàng nguồn vốn thay thế.

Ngoài ra, khi DN giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao, coi trọng công tác hậu mãi thì có thể huy động được nguồn tiền ứng trước của khách hàng như quy định của pháp luật (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).

Người đại diện cao nhất của HoREA tin là DN nhà đất cần quan tâm đến phân khúc nhà ở bình dân, tham gia các chương trình theo quy hoạch xây dựng của TPHCM (xây lại chung cư cũ hư hỏng nặng, chỉnh trang nhà ven kênh rạch, làm nhà ở xã hội, xây dựng đô thị thông minh…), xem đây như một phần của các giải pháp “giảm áp” tiền vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, HoREA còn cho rằng các DN bất động sản cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực, hướng tới hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập, hình thành các tập đoàn mạnh, đặc biệt là với những đối tác có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị, kinh doanh từ khối đầu tư nước ngoài. Thực tế những năm qua cho thấy nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, HongKong (Trung Quốc)...

DN bất động sản cũng cần có chiến lược “dài hơi” để chuyển đổi thành công ty cổ phần nhằm đáp ứng đủ điều kiện gọi vốn xã hội (phát hành trái phiếu). Và xa hơn là trở thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng cho rằng nhằm thích nghi lâu dài với lộ trình của ngành ngân hàng về việc siết chặt dòng tiền chảy vào lĩnh vực địa ốc, các nhà phát triển bất động sản trên hết cần giữ định hướng “An toàn về pháp lý với tinh thần thượng tôn pháp luật; An toàn về tài chính và tín dụng DN; An toàn về mô hình tổ chức và nhân sự”.

Trước đó, dù đã từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại đến hết năm 2019 nhưng sau nhiều cuộc thảo luận và trao đổi với các nhà quản lý tiền tệ, HoREA tin rằng lộ trình giảm dần sự phụ thuộc của lĩnh vực nhà đất vào tiền vay ngân hàng là phù hợp với lợi ích chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Hiện nay, ở những nền kinh tế phát triển minh bạch, lành mạnh, các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản (REIT) và thị trường chứng khoán mới là nguồn “tài trợ” chính cho nhà đất.

Phương Hiền

Top