Giấc mơ của những cựu tù

27/07/2019 12:38 AM

(Chinhphu.vn) - Mong ước của những cựu tù là được thành lập Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam , mong có tư cách pháp nhân để hoạt động, cùng chung tay đi tìm hài cốt liệt sĩ vẫn còn đâu đó chưa thể trở về đoàn tụ cùng đồng đội, quê nhà…

44 năm đã qua đi, đất nước đã nối liền một dải, Bắc Nam đã sum họp một nhà nhưng nỗi đau thì mãi vẫn còn đó. Những người cựu tù còn sống hôm nay chính là một phần minh chứng cho lịch sử hào hùng nhưng cũng không kém bi thương của dân tộc, để nhắc nhở: đất nước hôm nay là máu xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông…

Ông Phạm Bá Lữ trân trọng từng tư liệu về Ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam. Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Nằm ngủ vẫn bị điện giật

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở quận 1 (TPHCM), ông Phạm Bá Lữ (77 tuổi) Trưởng ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam không khỏi ngậm ngùi. Hỏi chuyện người nhà mới biết, ông vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau cơn tai biến bất ngờ cách đây hơn một tháng. Kí ức không còn nguyên vẹn nhưng có những câu chuyện chỉ cần gợi lại ông vẫn nhớ như in.

“Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra Bắc tập kết năm 1954. Năm 1964, tôi cùng các anh em tình nguyện về chiến trường miền Nam chiến đấu. Tôi bị bắt ở Playku trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Tháng 3/1973 thì được trả tự do trong chương trình trao trả tù bình”, ông Lữ bồi hồi nhớ lại.

Hơn 5 năm trong tù, ông chẳng nhớ hết bao trò tra tấn, đánh đập man rợ của lính Mỹ-Nguỵ với những chiến sỹ cộng sản. “Có người bị đóng đinh vào 10 đầu ngón tay. Có người bị dìm cả người, đầu vào thùng phuy đầy xà bông, rồi ở ngoài nó gõ, đập ầm ầm vào thùng cho đến khi chúng tôi trào hết máu mũi, máu miệng. Có người bị nhổ răng sống… Còn chuyện nó bắt phải ăn đồ thiu thối, đánh đập là hằng ngày”, ông nói. Chuyện như mới ngày hôm qua.

Ngồi kế bên, bà Nguyễn Thị Trận, vợ ông khe khẽ thở dài: “Hồi trao trả tù binh, tôi nhớ ông ấy chỉ tầm hơn 30 kí, người xanh xao, vàng vọt, người còn có nhúm, tong teo như người chết đói năm 45”. Bà Trận chính là một trong những cô gái  tham gia vào đoàn phục vụ các chiến sỹ cách mạng được trả về năm ấy. Đoàn trở về an dưỡng tại Sầm Sơn. Chẳng ai ngờ những ngày tháng chăm nom đã se duyên cho người chiến sỹ cách mạng kiên trung và cô gái Hà Thành xinh đẹp. “Chẳng hiểu sao yêu ông ấy lúc nào không biết. Lúc đầu là thương, cảm phục, sau là yêu. Giờ đêm đang ngủ mà ông vẫn như thấy bị điện giật. Hồi trước, ông ấy từng bị tra tấn bằng điện”, bà nói, giọng nghèn nghẹn.

Giấc mơ cuả những cựu tù

Ông Lữ chia sẻ đến nay, toàn quốc hiện có 29 tổ chức hội và 25 ban liên lạc ở các tỉnh và thành phố trong cả nước. Mong muốn của ông và đồng đội là được thành lập Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam thay cho ban liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam.

“Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam được thành lập sẽ là một tổ chức thống nhất, chỉ đạo, điều hành 54 hội, ban liên lạc trong cả nước. Hội tập hợp hội viên là những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn giữ được phẩm chất, khí tiết cách mạng. Hội thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, tổ chức mọi sinh hoạt, hoạt động trong khuôn khổ nhà nước, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, chăm lo cho những gia đình chính sách.”, ông Phạm Bá Lữ khẳng định.

Gần 80 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông và đồng đội vẫn còn đau đáu bao nỗi lo toan. Ông nói rất nhiều người đồng đội của mình bị địch tra tấn, đánh đập, hi sinh như vậy nhưng vẫn chưa tìm kiếm được hài cốt, chế độ chính sách vẫn chưa giải quyết hoàn thiện cho anh em… Thành lập Hội chính là một trong những cơ sở, tư cách pháp nhân nhằm tập hợp sức mạnh, đoàn kết hội viên nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc…

Văn bản Bộ nội vụ trả lời ngày 18/9/2018. Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Theo đó, ban liên lạc đã gửi đơn thư kiến nghị thành lập hội đến những bộ, ban ngành liên quan. Tuy nhiên đến nay, ước vọng này vẫn… bặt vô âm tín.

Ngay sau hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ngày 20/10/2018, Ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam đã gửi đơn đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị công nhận Ban vận động thành lập Hội. Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

“Chúng tôi đã gửi đơn rất nhiều lần, từ năm 2000. Gần đây nhất là năm 2018 chúng tôi lại gửi tiếp. Ban bí thư Trung ương đã đề nghị Bộ nội vụ xem xét, Bộ nội vụ đồng ý và yêu cầu hoàn tất hồ sơ gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhưng tới nay vẫn chưa xét duyệt. Ngày 25/10/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại hướng dẫn qua Bộ Nội vụ nhưng tôi thấy yêu cầu này là không đúng bởi Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vì liên quan đến người có công. Vì thấy không đúng nên chúng tôi đã phản hồi, đến nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn im lặng. Anh em mỏi mòn chờ đợi từ tháng 10/2018 đến nay… Chúng tôi chỉ muốn hỏi, Bộ có cho thành lập Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam hay không? Nếu không thì tại sao? Nếu có thì chúng tôi còn thiếu hồ sơ gì để bổ sung. Đừng im lặng như vậy”, ông Lữ chia sẻ.

Ngày 25/10/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gửi phiếu nhằm trả đơn và hướng dẫn ông Lữ… quay lại Bộ Nội vụ. Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Kết thúc buổi trò chuyện, ông Lữ tập tễnh mở cửa đưa chúng tôi ra về. Năm nay ông đã 77 tuổi, đồng đội ông có người hơn, có người kém, có người đã khuất. Những người cựu tù còn phải đợi đến bao giờ?

Nguyễn Trà

Top