Gần 29.000 căn nhà bị tắc sổ hồng

12/09/2020 6:19 PM

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA), trên địa bàn thành phố đang có gần 29.000 căn nhà bị tắc sổ hồng.

HOREA cho rằng, quy trình xử lý cấp sổ hồng hiện đang bị nghẽn ở hai sở Tài nguyên Môi trường và Tài chính.

Thiệt hại nhiều phía

HOREA mới chỉ tổng hợp số liệu từ 53 dự án  đã có tới 25.631 căn nhà, chủ yếu là căn hộ chung cư và 2.693 căn hộ officetel đã bị chậm cấp “sổ hồng”. Trong số này nhiều nhất là Cty CP Tập đoàn Hưng Thịnh có 13 dự án với gần 9.000 căn; Cty CP Tập đoàn Novaland có 11 dự án với trên 7.200 căn; Cty CP Quốc Cường Gia Lai còn trên 4.000 căn bị tắc sổ hồng.

Đây là những dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015-2019. Nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất trên địa bàn, theo HOREA, số lượng căn nhà bị chậm cấp “sổ hồng” còn lớn hơn nhiều lần.

Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố thừa nhận, hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.

Việc “tắc tiền sử dụng đất” dẫn đến “tắc sổ hồng” cho người mua nhà, đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Thứ nhất, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà. Thứ hai, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2018 đến nay số thu tiền sử dụng đất liên tục sụt giảm. Cụ thể,  năm 2018, chỉ thu 16.493 tỷ đồng, giảm 21,2% so với 2017;  năm 2019, chỉ thu 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2%; trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ thu 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với cùng kỳ 2019.

Điều này dẫn đến sự giảm sút tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của thành phố 5 năm vừa qua, chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây, thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách. Nếu tháo gỡ được “ách tắc” tiền sử dụng đất, thì sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Và tình trạng này tổn hại trực tiếp đến thương hiệu của chủ đầu tư, dẫn đến những vụ việc khiếu kiện gay gắt ở các nhóm khách hàng mua nhà.

Tắc ở khâu nào?

Việc chậm cấp “sổ hồng” do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là các chủ đầu tư bị “tắc tiền sử dụng đất”, không nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến “tắc sổ hồng” cấp cho người mua nhà.

Nhìn vào quy trình xác định giá đất, thẩm định giá đất, tính tiền sử dụng đất dự án thì HOREA cho rằng điểm nghẽn trong xử lý cấp sổ hồng đang ở Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính. Từ cuối năm 2017 đến nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, đã mời cả chủ đầu tư tham dự và giải trình, nên giải quyết nhanh hơn các hồ sơ tính tiền sử dụng đất. Do vậy, nếu hồ sơ qua được hai cửa Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính, thì chủ đầu tư mới có khả năng sớm nộp được tiền sử dụng đất dự án.

Theo HOREA, quy định về lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất còn bất cập. Theo quy định thì ngân sách nhà nước chi trả chi phí xác định giá đất, nên Sở Tài nguyên và Môi trường phải tổ chức đấu thầu qua mạng, để lựa chọn đơn vị tư vấn có giá chào thầu thấp nhất được trúng thầu. Do vậy, có đơn vị tư vấn chỉ bỏ thầu một vài triệu đồng để được trúng thầu, để sau đó được "độc quyền" thực hiện công tác xác định giá đất dự án, và chủ đầu tư rất "khổ sở" vì đơn vị tư vấn này. Đây là một yếu tố dẫn đến sự thiếu minh bạch và tiêu cực ảnh hưởng đến lợi ích của người người mua nhà, doanh nghiệp và Nhà nước.

Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập trong văn bản pháp luật liên quan, có những quy định pháp luật như “đánh đố”, làm cho cán bộ công chức “lúng túng”, như Khoản 2 Điều 6 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT, về “phương pháp thặng dư”. Điều này dẫn đến hệ quả nhiều chủ đầu tư đã tạm nộp trước tiền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo số tiền sử dụng đất phải nộp, để nộp bổ sung hoặc được hoàn trả. Có nghĩa là chưa được được xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, để được cấp “sổ hồng” cho khách hàng, như trường hợp 11 dự án nhà chung cư của Tập đoàn Novaland; 2 dự án nhà chung cư của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Hoặc tình trạng chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, đã được cấp “sổ hồng” cho một phần diện tích dự án nhà chung cư. Nhưng phần còn lại không được tiếp tục cấp “sổ hồng” vì phát sinh điều kiện xem xét, tính toán từ Sở Tài nguyên Môi trường như dự án Gateway Thảo Điền của Sơn Kim Land.

Băng Tâm

Top