Gần 20.000m2 đất nông nghiệp đã bị “hô biến” thành cụm công nghiệp

02/04/2019 9:18 AM

Theo thông báo kết quả giải quyết tố cáo do ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, TPHCM ký ngày 12/10/2017, khu đất có diện tích hơn 19,8 ngàn m2 thuộc tờ bản đồ số 94, nằm cuối đường số 6, khu phố Bửu Long, phường Long Bình, quận 9, TPHCM, phần lớn là đất trồng cây lâu năm và một phần đất trồng lúa, diện tích đất ở chỉ có 200m2. Những công trình “khủng” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Một trong số các nhà xưởng không phép mọc lên trên khu đất nông nghiệp của bà Nga, ông Dẫn.

Năm 2011, khu đất này đã được UBND quận 9 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Nguyễn Công Dẫn - Phó Chánh văn phòng HĐND và UBND quận 9. Để được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bà Nga đã được địa phương xác nhận là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Dù là đất nông nghiệp, nhưng ngày 10/11/2015, bà Nga đã được UBND quận 9 cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để xây dựng khu nhà thể thao, kho chứa dụng cụ có diện tích lên đến 4.125m2.

Ngay sau khi được cấp phép xây dựng tạm, từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2017, bà nga cho 5 DN thuê để sản xuất, kinh doanh. Do đó, các DN đã tiến hành xây dựng một loạt nhà xưởng và công trình phục vụ sản xuất, biến khu đất thành một cụm công nghiệp.

Trình bày sự việc với UBND quận 9, bà Nga và ông Dẫn cho rằng, khu đất có diện tích 19,8 ngàn m2 này là tài sản của ông Dẫn, bà Nga và một số người thân ở những địa phương khác, thậm chí ở cả nước ngoài. Ông Dẫn, bà Nga có một phần vốn góp nên ông Dẫn có một phần quyền, lợi ích ở khu đất này.

Thế nhưng, ông Dẫn lại cho rằng, tài sản hình thành chủ yếu từ phía gia đình bà Nga nên ông không muốn can thiệp sâu vào việc quản lý, sử dụng mà để bà Nga cùng người thân tự quyết định. Trong quá trình bà Nga cho các DN thuê đất đã để các DN tự cải tạo công trình cũ, đầu tư xây dựng mới và sử dụng không đúng mục đích.

Đây là thiếu sót của ông Dẫn do thiếu kiểm tra nên tự nhận khuyết điểm. Kết quả xác minh của UBND quận 9 cho thấy, bà Nga, ông Dẫn không trực tiếp xây dựng các hạng mục như trạm biến áp 3 pha, nhà xưởng, nhà để xe, mà việc xây dựng các hạng mục này do DN thuê đất tự xây dựng không phép để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Nhưng trong quá trình cùng với bà Nga sử dụng khu đất có diện tích rất lớn này, ngoài những công trình do DN thuê đất xây dựng trái phép, khu đất này còn có những hạng mục xây dựng không phép khác như đường nhựa, nhà gỗ do bà Nga, ông Dẫn xây dựng không phép.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy khẳng định, để xảy ra những sai phạm trên, ông Dẫn có trách nhiệm liên đới trong việc cùng với bà Nga sử dụng đất không đúng mục đích; tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không được cơ quan thẩm quyền cho phép; chiếm dụng, sử dụng phần đất lên đến 3.698m2 không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Dẫn đã không có biện pháp khắc phục, ngăn chặn là không thực hiện quy định của nhà nước về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất.         

Không chỉ là vụ việc xây dựng trái phép cả cụm công nghiệp trên đất nông nghiệp, những năm qua các đời chủ đất ở đây đã lấp rạch, lấn sông với diện tích rất lớn. Theo bản đồ hiện trạng vị trí do Trung tâm đo đạc bản đồ - Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố lập ngày 22/6/2017, tổng diện tích đất đang sử dụng tại đây đã lên tới 28,5 ngàn m2, tức đã có khoảng 8,7 ngàn m2 đất là diện tích rạch, hành lang sông và mặt nước sông Đồng Nai. Tuy kết quả xác minh của UBND quận 9 cho thấy việc lấn chiếm sông rạch là do chủ đất trước đây đã thực hiện, bà Nga chỉ bồi lấn để sử dụng.

Dù vậy, trong quá trình sử dụng khu đất nông nghiệp trên, bà Nga đã sử dụng 2.844m2 đất sông, 2.283m2 đất rạch liền kề, vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Sai phạm như vậy nhưng ông Dẫn không kiểm tra, ngăn chặn nên ông Dẫn có một phần trách nhiệm đối với vi phạm này.

Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy xác định, trên khu đất 28,5 ngàn m2 có 21 công trình với tổng diện tích lên đến 12.046m2; chênh lệch rất lớn so với bản vẽ hiện trạng vị trí nhà ở và lò gạch do Công ty TNHH D.D.D đo năm 2012, theo yêu cầu của bà Nga vào thời điểm mới mua.

Cụ thể, chênh lệch về đất là 1.250m2; chênh lệch về diện tích xây dựng lên đến 11.768m2. Điều này có nghĩa, sau vài năm quản lý sử dụng, bà Nga đã bồi lấn thêm hơn một ngàn m2. Đồng thời đã có hơn chục ngàn m2 nhà xưởng, kho bãi, công trình khác mọc lên trong thời gian bà Nga, ông Dẫn làm chủ sử dụng đất.

Trong đó có 5 công trình xây dựng liền khối có diện tích 10.094m2; 7 công trình cải tạo, sửa chữa trên cơ sở hiện trạng cũ không phép xây dựng có diện tích 1.582m2; 9 công trình xây dựng mới không phép xây dựng có diện tích 369m2. Phần diện tích đất còn lại được sử dụng làm bãi chứa cát đá của bến thủy nội địa.

Hàng chục công trình trái phép phục vụ sản xuất ngang nhiên mọc lên trên đất nông nghiệp như vậy, nhưng theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, khi phát hiện việc xây dựng trái phép này, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận 9 đến kiểm tra nhưng không gặp được chủ đầu tư.

Sau khi thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc, thanh tra xây dựng xác định bà Nga có giấy phép xây dựng tạm trong vòng 3 năm nhưng không xây dựng theo giấy phép; những người thuê đất của bà Nga tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp những công trình theo hiện trạng cũ?! Tại văn bản này, Chủ tịch UBND quận 9 đã giao trách nhiệm cho một loạt cơ quan thuộc quận khẩn trương phối hợp xử lí. 

Trao đổi với ông Nguyễn Gia Hưng, Chủ tịch UBND phường Long Bình, ông Hưng cho biết năm ngoái phường đã cưỡng chế tháo dỡ được với 1 DN. Do đó số công trình, kho xưởng không phép còn lại hiện vẫn đang tồn tại.

Chỉ trong vòng 15 ngày trong tháng 6/2017, thấy “động” do bị người dân xung quanh tố cáo, bà Nga đã liên tiếp chuyển nhượng 6 trong số 8 giấy chứng nhận các thửa đất thuộc khu đất trên cho một người khác ở phường 14, quận Tân Bình.

Thế nhưng, trong các văn bản của Sở GTVT thành phố và của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 thì năm ngoái bà Nga vẫn đứng tên trong hồ sơ xin cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa có tên bến Nguyễn Thị Nga. Đến nay, bến thủy nội địa không phép nằm trên phần đất lấn mặt nước sông Đồng Nai vẫn ngang nhiên hoạt động không phép.

Điều này khiến người dân địa phương bức xúc cho rằng sau một loạt sai phạm về sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích; xây dựng trái phép; hoạt động bến thủy không phép và lấn chiếm đất sông rạch xảy ra tại đây nếu chỉ là của người dân bình thường thì liệu có thể tiếp tục được tồn tại như vậy?

Theo Báo Công an nhân dân

Top