Dư luận lo ngại “chìm xuồng” vụ sai phạm của Vinafood 2

10/03/2019 4:07 PM

Trước thông tin về sai phạm xảy ra tại dự án bất động sản ở khu đất có vị trí đắc địa tại phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, ngày 5/1/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính cùng UBND TPHCM kiểm tra những sai phạm tại dự án bất động sản trên, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Tìm hiểu về quá trình quản lý, sử dụng các khu đất trên, PV Báo CAND được biết, ngày 23/6/2015, Tổng Công ty Lương thực miền Nam - TNHH MTV (Vinafood 2) đã có văn bản gửi cơ quan chủ quản - Bộ NN&PTNT, để báo cáo về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.

Tại văn bản này, Vinafood 2 khẳng định khu đất tại các địa chỉ trên được Vinafood 2 quản lý từ sau 30/4/1975 đến nay. Thực hiện quyết định ngày 19/3/2004 của Bộ Tài chính (phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Vinafood 2 tại TP Hồ Chí Minh) và quyết định ngày 16/4/2008 của UBND TPHCM (về duyệt giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình trên đất tại số 33 Nguyễn Du và 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh theo giá thị trường để Vinadood 2 nộp ngân sách khi chuyển mục đích sử dụng đất), khi đó, khu đất cũng đã được phê duyệt công năng là khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại cho thuê.

Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa chỉ trên, Vinafood 2 đã vay ngân hàng để nộp ngân sách hơn 633 tỉ đồng cho khoản tiền sử dụng đất.

Cũng tại văn bản này, Vinafood 2 đã nêu khó khăn với bộ chủ quản rằng đến giữa năm 2015, DN đã lỗ lũy kế gần 1.200 tỉ đồng trong khi Vinafood 2 đã đầu tư vào các mặt bằng trên số tiền khá lớn. Do vậy DN cần được khẩn trương khai thác các mặt bằng này bằng cách thoái hết số vốn đã đầu tư, cụ thể là khoản tiền sử dụng đất đã nộp để có vốn bù đắp cho sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn.

Phần mặt tiền đường Chu Mạnh Trinh của khu đất được Vinafood 2 xin làm dự án để bán sang tay.

Từ đề xuất trên của Vinafood 2, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ và ngày 15/8/2015, Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT cùng UBND TPHCM đồng ý về nguyên tắc thực hiện phương án sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các khu đất trên cho Vinafood 2. Cho phép, nhưng Chính phủ cũng kèm theo yêu cầu DN phải bảo đảm chặt chẽ, không để thất thoát tài sản nhà nước.

Sau khi Chính phủ có ý kiến, ngày 25/9/2015, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Vinafood 2 yêu cầu DN lựa chọn đối tác đảm bảo đủ năng lực triển khai dự án; quản lý chặt chẽ không để thất thoát vốn Nhà nước…

Được chỉ đạo là vậy nhưng tháng 11/2015, Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thực hiện ký hợp đồng hợp tác thành lập Công ty TNHH Hai thành viên để thực hiện dự án với số vốn điều lệ là 800 tỉ đồng. Trong đó, Vinafood 2 chỉ nhận góp vẻn vẹn 160 tỉ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ bằng toàn bộ tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất tại các địa chỉ trên.

Chỉ một tháng sau, ngày 30/12/2015, Vinafood 2 đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Công ty Việt Hân để thu về 160 tỉ đồng. Việc làm này trái ngược với những gì Vinafood 2 đã báo cáo với Bộ NN&PTNT trước đó.       

Đến cuối năm 2018 vừa qua, hơn 30 hộ dân đã được tạm cấp nhà, đất để sinh sống tại các khu đất trên vẫn bức xúc khiếu nại việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của Vinafood 2 và hiện nhiều hộ vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng do phương án bồi thường chỉ có tổng cộng chưa đến 70 tỉ đồng, nhưng theo văn bản ngày 27/2/2017 của UBND TPHCM gửi các sở, ngành liên quan và Công ty CP đầu tư Phương Nam Sài Gòn (về việc hợp khối và điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa chỉ trên), UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất của DN này về 2 nội dung trên.

Tại văn bản này, UBND thành phố cũng xác định, Công ty CP đầu tư Phương Nam Sài Gòn sở hữu 6.300m2 đất tại số 34-36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du theo phương án sắp xếp nhà đất được Chính phủ đồng ý cho Vinafood 2. Điều này có nghĩa các khu đất trên sau khi được Vinafood 2 “sang tên” cho Công ty Việt Hân thì DN này cũng đã kịp đem bán qua tay một chủ khác chỉ trong thời gian ngắn.

Theo tính toán của giới đầu tư dự án BĐS, thời điểm này, khu đất có diện tích 6.300m2 trên đã có giá vài ngàn tỉ đồng. Trước ý định gom luôn cả phần đất có diện tích 440 m2 tại số 44 Chu Mạnh Trinh đang là Văn phòng đại diện phía Nam của Bộ Nội vụ để có được nguyên khu góc 2 mặt tiền đường Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Du, UBND thành phố đã yêu cầu Công ty CP đầu tư Phương Nam Sài Gòn phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ trong việc hợp khối. Phần sở hữu của các hộ dân, công ty phải xuất trình đủ giấy tờ thỏa thuận với các hộ dân.

Liên quan đến các khu đất này, trong Kết luận Thanh tra ngày 26/7/2017 đối với hoạt động của Vinafood 2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã xác định Tổng giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân vào ngày 21/9/2015 về đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất là trái với nội dung Nghị quyết của HĐTV Vinafood 2, trái với thỏa thuận giữa Vinafood 2 với Công ty Việt Hân; ra văn bản ngày 4/2/2015 sai với nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản cho phép thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại các địa chỉ trên.

Kết luận Thanh tra của Bộ NN&PTNT còn xác định, việc HĐTV Vinafood 2 ra nghị quyết chuyển trách nhiệm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ công ty liên kết sang Vinafood 2 chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách. Bởi theo thỏa thuận trước khi thành lập, Công ty Việt Hân chịu trách nhiệm đến 80% tiền đền bù giải phóng mặt bằng trong khi Vinafood 2 chỉ chịu trách nhiệm 20%.

Theo Bộ NN&PTNT, số tiền 2 bên dự kiến chi đền bù, giải phóng mặt bằng là 68 tỉ đồng, được lấy từ tài khoản của Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính. Do đó, khi thực hiện theo thỏa thuận trên, ngân sách đã bị thất thoát 80%, tức 54 tỉ đồng.

Trách nhiệm về sai phạm trên, trong Kết luận Thanh tra, Bộ NN&PTNT cũng đã xác định thuộc HĐTV, trách nhiệm đề xuất của Tổng giám đốc và các trưởng phòng, ban chức năng cũng như các cá nhân liên quan của Vinafood 2.

Trước dấu hiệu sai phạm tại dự án trên, ngày 19/7/2017, VKSND tối cao đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra lại các thông tin về dấu hiệu sai phạm mà dư luận đã phản ánh; kịp thời trao đổi thông tin vi phạm phát hiện qua thanh tra với Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND tối cao.

Đối với những vụ việc Thanh tra Bộ NN&PTNT đã có kiến nghị khởi tố cần chuyển ngay đến Cơ quan CSĐT; những vụ việc thanh tra không kiến nghị khởi tố nhưng nếu có căn cứ cho thấy cần phải tiếp tục xác minh làm rõ, Thanh tra Bộ NN&PTNT cần đề nghị CQĐT phối hợp để xác minh làm rõ.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 5/3 vừa qua, trao đổi với PV Báo CAND, Chánh Văn phòng UBND TPHCM – ông Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã có báo cáo với Trung ương.

Điều khiến dư luận, nhất là những người dân trong dự án án quan tâm hiện nay là việc xử lý những cá nhân liên quan đến sai phạm này theo kết luận thanh tra đã được thực hiện chưa, mức độ xử lý cụ thể như thế nào? Nhiều người dân còn lo ngại vụ việc kéo dài rất dễ dẫn đến nguy cơ “chìm xuồng”.

Theo Đức Thắng (Báo Công an nhân dân)

Top