Doanh nghiệp Việt có thể đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng?

22/05/2020 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang ngày một rõ ràng. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngay trên sân nhà hay không? Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Tọa đàm cùng chủ đề vừa diễn ra ngày 22/5 tại TPHCM.

Ông Lương Văn Tự trao đổi cùng các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Panasonic bắt đầu đóng cửa dần các nhà máy tại Thái Lan để hợp nhất sản xuất tại Việt Nam. Apple tuyển dụng hàng loạt vị trí nhân sự người Việt làm dấy lên mong đợi về sự có mặt một Apple Store tại Việt Nam. Và mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi thành lập mạng lưới kinh tế thịnh vượng gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và mời Việt Nam cùng tham gia thảo luận.

Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO cho rằng đây là cơ hội cho Việt Nam, đồng thời Việt Nam hoàn toàn có khả năng đón nhận và đáp ứng làn sóng dịch chuyển này.

Sau hơn 20 năm gia nhập WTO vị thế của Việt Nam và năng lực của doanh nghiệp Việt đã chuyển biến mạnh mẽ. Ông Tự minh chứng rằng ngày càng có nhiều doanh nhân Việt lọt vào danh sách các tỉ phú USD thế giới. Nghĩa là quy mô, năng lực của doanh nghiệp đã khác.

Việt Nam hiện đã tham gia vào hầu hết các hiệp định thương mại tự do trên thế giới. Sắp tới đây, khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ là thuận lợi mà các nước trong khu vực chưa thực hiện được.

Ông Tự cho rằng, điều kiện khách quan và chủ quan đều tốt hơn so với thời điểm Việt Nam đàm phán gia nhập WTO.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng doanh nghiệp không thể ngồi chờ đối tác đến với mình, phải chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng. “Chúng tôi thay đổi cơ bản hoạt động của Hiệp hội, tiêu chí là mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp, không để lãng phí thời gian tham gia của hội viên”, ông Dũng khẳng định.

Ông Lương Công Huỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Dây và Cáp điện TPHCM đưa ra một sản phẩm minh chứng cho sự chủ động của doanh nghiệp Việt. Đó là sợi cáp siêu nhiệt với lõi dẫn nhựa, thay cho loại cáp truyền thống lõi thép. Cùng tiết diện, dây cáp siêu nhiệt dẫn điện gấp đôi dây lõi thép, khả năng chịu lực tốt hơn, tiết kiệm chi phí vì giảm bớt các trụ mà không có độ võng. Ông Huỳnh tự tin rằng ở khu vực Đông Nam Á chưa có quốc gia nào sản xuất được loại cáp siêu nhiệt này.

Trước đó, khi các dự án điện mặt trời đầu tiên đi vào hoạt động, Bộ Công thương đã ra đề bài với Hiệp hội Dây và Cáp điện TPHCM: có năng lực sản xuất loại dây dẫn điện một chiều từ các tấm pin mặt trời không? Hiệp hội mạnh dạn nhận đơn hàng này, thay vì để cho Bộ Công thương tìm nguồn nhập khẩu. Dây dẫn từ tấm pin là dẫn một chiều, dùng dây đồng tráng thiếc, không sử dụng loại dây đồng bọc thông thường. Hiện có 3 doanh nghiệp cung cấp loại dây dẫn này vừa phục vụ các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời trong nước vừa xuất khẩu.

Bên cạnh khả năng nội sinh của doanh nghiệp, trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng cần sự chủ động tìm kiếm đối tác của chính các doanh nghiệp. Xu hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam đang hướng đến các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Ông Lương Văn Tự dẫn ví dụ ngành café, doanh nghiệp nội địa có thể kết nối với đối tác chế biến café rang xay, hoặc các đối tác thương mại để hình thành chuỗi giá trị vì không khuyến khích đầu tư vốn thu mua nông sản.

Ông Trần Việt Tiến - Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM khẳng định, doanh nghiệp Việt có đủ năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu tiếp nhận vốn FDI ở lĩnh vực sản xuất thì tăng thêm áp lực cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ông Tiến đặt vấn đề cần có chiến lược chọn lựa những nhà đầu tư hoạt động thương mại, đầu tư công nghiệp sáng tạo, thiết kế, phụ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chế biến gỗ trong nước.

Về vấn đề này, quan điểm của ông Lương Văn Tự là cần phát huy vai trò của các hiệp hội, vì hiệp hội hiểu tình hình ngành hàng, lĩnh vực của mình hơn Chính phủ. Hiệp hội kiến nghị lên địa phương, lên các bộ, nhiều người kiến nghị thì trở thành chính sách.

Tuy nhiên, ông Tự vẫn chưa thực sự yên tâm vào sự chủ động tìm hiểu bối cảnh thị trường của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Hoạt động ở một Thành phố năng động, trung tâm kinh tế của cả nước thì doanh nghiệp nơi đây phải đi đầu, góp phần thay đổi chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh mới. Cho nên, ông Tự nhấn mạnh, doanh nghiệp phải theo dõi, nghiên cứu chính sách của Chính phủ và Thành phố. Dẫn chứng về sự băn khoăn trong chủ động nắm bắt của doanh nghiệp, ông Tự nhắc lại một khảo sát của VCCI cho thấy có đến 80% doanh nghiệp được hỏi không nắm rõ các cam kết quốc tết mà Việt Nam đã tham gia.

Ông Tự cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu, nhận thức và có chiến lược thay đổi, không ai làm thay doanh nghiệp. Đó là sự chuẩn bị chiến lược đầu tư dài hạn, 10 năm tới, về nguồn lực, nhân sự, đầu tư vào lĩnh vực nào. Thứ hai là doanh nghiệp phải gắn sản phẩm với thị trường. “Lâu nay doanh nghiệp chỉ lo sản xuất, không lo thị trường. Giờ phải thay đổi, sản phẩm phải gắn với thị trường. Như vậy mới không lo sớm nắng, chiều mưa, được mùa mất giá”, ông Tự phân tích.

Băng Tâm

Top