Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị Thành phố có giải pháp hỗ trợ

18/02/2020 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - T rước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mới đây, t ại buổi làm việc với Sở Công Thương TPHCM về kế hoạch sản xuất của các hội ngành nghề trên địa bàn thành phố năm 2020 , đại diện một số hội ngành nghề đã nêu những khó khăn và kiến nghị Thành phố có giải pháp hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đại diện các hiệp hội, hiện các doanh nghiệp hội viên hoạt động ở lĩnh vực lương thực thực phẩm, dệt may, da giày, cao su, nhựa... đang gặp nhiều khó khăn do sản phẩm không tiêu thụ được hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất do phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung ở thị trường Trung Quốc.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu nên rất cần thành phố hỗ trợ giãn nợ, giãn quay vòng lãi suất để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn biến động.

Trong báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, các doanh nghiệp thành viên sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập từ Trung Quốc như dệt, may, da giày, cao su, nhựa… vẫn cố gắng duy trì sản xuất nếu vận chuyển nguyên liệu bằng đường biển.

Tuy nhiên, chứng từ gốc phải chuyển phát nhanh qua dịch vụ quốc tế (đi máy bay) nhưng các chuyến bay đã ngưng, do đó doanh nghiệp không có chứng từ gốc đi kèm sẽ không giải ngân được tại các ngân hàng. Bên cạnh đó, các hãng tàu không nhận lệnh lấy hàng, không có giấy chứng nhận hàng hóa mẫu E (CO form E) gốc, hải quan sẽ không cho ưu đãi thuế nhập khẩu… Do đó, HUBA kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp tạm thời, không để sản xuất của doanh nghiệp gián đoạn.

HUBA cho biết, hầu hết doanh nghiệp ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu, mức độ tùy theo tính chất ngành hàng, tình hình nguyên liệu, lao động, đầu ra sản phẩm. Trong đó, rõ nét nhất là dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, kinh doanh ăn uống, … Những doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục hoạt động sản xuất bình thường như trước.

HUBA kiến nghị Thành phố hỗ trợ áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất, bổ sung ngành nghề vào chương trình kích cầu… để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía các hiệp hội, theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE), để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, HAMEE đặc biệt chú trọng đến các hoạt động mở rộng hợp tác với những tổ chức xúc tiến thương mại như TAITRA, KOTRA, MATRADE... để tìm kiếm cơ hội giao thương, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Ngay trong năm 2020, HAMEE sẽ liên kết hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận như JETRO, JICA, USAID... để tìm kiếm các nguồn ngân sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp tái cơ cấu, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, với mục tiêu giúp doanh nghiệp tham gia cung ứng vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Lê Anh

Top