Dịch tả heo châu Phi: Doanh nghiệp có “tranh thủ”?

27/05/2019 12:23 PM

(Chinhphu.vn) - Quy luật thị trường, khi chăn nuôi heo bị khủng hoảng - tổng đàn heo bị giảm sản lượng - thì giá cả sẽ tăng. Những người kinh doanh, những khâu trung gian có thể thấy đây là cơ hội, nhưng khác biệt giữa chuyện nắm bắt cơ hội một cách đường đường, chính chính với sự “tranh thủ” cơn “bạo bệnh” của ngành chăn nuôi heo chỉ là một lằn ranh mong manh.  Ứng phó dịch tả heo Châu Phi: 'Đánh chuột không vỡ bình'

Giá heo hơi ngày 27/5 tại các tỉnh thuộc khu vực miền Nam có nhiều biến động theo hướng giảm. Toàn miền từ 30.000 đồng/kg đến 37.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Giá heo hơi giảm, giá heo thịt vẫn ổn định

Giá heo hơi các tỉnh phía Nam thời gian qua nhiều biến động. Nếu giá heo hơi các địa bàn cận kề TPHCM - nơi người chăn nuôi có lợi thế nhất định trong nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng cuối cùng hiện vẫn còn đạt khoảng 35.000-37.000 đồng/kg thì tại các địa bàn xa hơn thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giá heo hơi chỉ giao động 35.000-36.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tại Hậu Giang - nơi phát hiện có dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Tây Nam Bộ, giá heo hơi hiện chỉ còn từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả heo Châu Phi cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cũng cho hay cuộc giao lưu trực tuyến mới đây do ngành nông nghiệp Thành phố thực hiện cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng hướng tới cả mục tiêu giải tỏa áp lực cho người chăn nuôi khi “thấy giá heo hơi đi xuống ảnh hưởng tới bà con nhiều quá”.

Nhìn chung kể từ khi có dịch tả heo Châu Phi tại Việt Nam đến nay, giá heo hơi trên toàn quốc vẫn theo đà giảm dần và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại rõ ràng.

Tuy nhiên, ở thị trường TPHCM, nơi hàng ngày tiếp nhận tới 80% nguồn cung thịt heo từ các tỉnh thành khác (Đồng Nai: 47%, Bình Dương: 17%, Bà Rịa - Vũng Tàu: 10%, Bình Phước: 7,2%, Tây Ninh, Bình Thuận…), từ khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 năm nay, giá thịt heo bán lẻ tới tay người tiêu dùng vẫn neo ở mức ổn định như trước tết nguyên đán - thời điểm dịch chưa xuất hiện ở Việt Nam.

Thậm chí ở giai đoạn từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 dương lịch, ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn TPHCM cho thấy giá thịt heo đã tăng rõ rệt. Riêng sườn heo tăng vọt khoảng 18-24% so với trước tết âm lịch - có lúc đỉnh điểm lên tới 199.000 đồng/kg. Chỉ từ giữa tháng 4 đến nay, giá bán đến tay người tiêu dùng tại các chợ và siêu thị mới “về lại như cũ”.

Cũng theo báo cáo của UBND TPHCM, sự suy giảm của sức cầu thịt heo chỉ diễn trong thời gian ngắn, vào tuần giữa tháng 5 (nhu cầu của TPHCM giảm còn 8.000 con/ngày), và cũng đã nhanh chóng quay lại như trước đó (10.000 con/ngày).

Như vậy, khó mà giải thích cho hiện tượng tại sao giá thịt heo tới tay người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức “ổn định” tại thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước, còn giá heo hơi tại nơi cung ứng “đầu nguồn” - tức giá mua từ các hộ chăn nuôi - lại liên tục giảm đi.

Đành rằng theo quy luật thị trường, khi chăn nuôi heo bị khủng hoảng - tổng đàn heo bị giảm sản lượng - thì giá cả sẽ tăng. Những người kinh doanh, những khâu trung gian có thể thấy đây là cơ hội, nhưng khác biệt giữa chuyện nắm bắt cơ hội một cách đường đường, chính chính với sự “tranh thủ” cơn “bạo bệnh” của ngành chăn nuôi heo chỉ là một lằn ranh mong manh.

Cam go phòng chống dịch, doanh nghiệp ở đâu?

Trong khi như các địa phương đang “sốt xình xịch” với chuyện phòng chống dịch lẫn nỗi lo “cơm áo” cho người chăn nuôi heo thì ở “đầu ra” - những người đảm trách các khâu chế biến, thương mại đều khá “kiệm lời”.

Trong khi chính quyền TPHCM tuyên bố đã có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm chủ lực đảm bảo bình ổn thị trường, không để hụt cung hay thiếu cầu, gây ra biến động giá, thì các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến lớn, có tham gia khâu thương mại được mời tới Hội nghị Phòng chống dịch tả heo Châu Phi các tỉnh phía Nam mới đây đều chưa thể hiện được sự góp ý rõ ràng nào cho cuộc đấu tranh sống còn của ngành chăn nuôi heo ở quy mô quốc gia.

Được mời phát biểu góp ý kiến cho công tác phòng chống dịch, nếu như vị đại diện cho Công ty GreenFeed - đơn vị sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi và chế biến thực phẩm từ thịt - nói về hàng loạt giải pháp kỹ thuật liên quan tới an toàn sinh học… đã được các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện từ đầu mùa dịch thì phần “đóng góp ý kiến” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cũng chỉ đề cập tới chuyện doanh nghiệp đang đảm bảo an toàn sinh học cho chính sản phẩm của mình ra sao, và rằng cần được nhà quản lý ngành nông nghiệp hỗ trợ để đưa giống vào tái đàn sau này thế nào…”.

Dường như khá thất vọng với các “góp ý” từ vị đại gia thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã cho rằng “nói như vậy xem ra cũng như không góp thêm được ý kiến gì cho công tác phòng chống dịch lúc  này. Và cho rằng Công ty CP cần phối hợp nhiều hơn với ngành nông nghiệp, với các đơn vị khác nữa, không được chủ quan”.

Một doanh nghiệp hàng đầu về chế biến thực phẩm tươi sống từ chối tiết lộ danh tính thì bày tỏ: “Chúng tôi đang lo phải tổ chức sản xuất kinh doanh ra sao sau dịch, còn chuyện chính sách chung là do các bộ ngành chứ doanh nghiệp không làm được. Doanh nghiệp còn phải lo cho mình, lo quá trình tăng trưởng, lo đảm bảo sản phẩm an toàn cho thị trường!”.

Có thể hiểu doanh nghiệp là một thực thể kinh doanh và trách nhiệm với các cổ đông là đảm bảo hoạt động hiệu quả; với khách hàng là đảm bảo sản phẩm chất lượng, với ngân sách là đảm bảo nghĩa vụ thuế v.v… Tuy nhiên, bên cạnh đó, xu thế phát triển chung của thế giới còn hướng doanh nghiệp đến các giá trị nhân văn cao hơn về trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên…

Nếu giới doanh nghiệp có thể nhiệt thành hơn trong các đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch - tương tự như sự nhiệt thành khi phản biện vô số chính sách điều tiết ngành bất cập suốt thời gian qua thì chắc chắn cuộc chiến phòng chống dịch tả heo châu Phi tới đây sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại và tổn thương không mong muốn.

Phương Hiền

Top