Dịch lây lan nhanh do lơ là, chủ quan

21/06/2021 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - TPHCM đã có ba ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 vượt 100 ca mỗi ngày, đưa số ca lây nhiễm trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn Thành phố vượt 1.000 ca. Mặc dù dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn xuất hiện sự lơ là, chủ quan trong công tác quản lý và ý thức phòng dịch tại các doanh nghiệp và của người dân trên địa bàn.

Công ty Kim May Organ, một doanh nghiệp tại Khu Chế xuất Tân Thuận (TPHCM) thực hiện tốt quy định phòng dịch trong sản xuất. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Kết thúc 14 ngày phong toả nhà máy vì có ca nhiễm COVID-19, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Thiết bị nhà bếp Vina ở quận Tân Bình, TPHCM cho rằng chưa bao giờ ông trải qua giai đoạn vất vả như những ngày doanh nghiệp bị phong toả vì dịch bệnh. “Trong 2 tuần đó vừa sản xuất, vừa phòng dịch thì việc giám sát, nhắc nhở công nhân tuân thủ quy tắc 5K đã chiếm gần 10% nhân sự của công ty. Mà vẫn lo sợ có thể lây nhiễm trong nhà xưởng”.

Ông Dũng còn cho biết, công ty đã có phương án phòng dịch theo hướng dẫn của Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố nhưng thực tế không hiệu quả vì công nhân rất chủ quan, không giữ khoảng cách tối thiểu. Rất may trường hợp F0 phát hiện tại doanh nghiệp này đeo khẩu trang trong thời gian làm việc và không ăn cơm chung với các công nhân khác nên không xảy ra lây nhiễm dịch trong nhà máy.

Đây cũng là tình trạng ở một bộ phận công nhân công ty PouYuen tại quận Bình Tân. Ngay khi phát hiện một công nhân của Công ty dương tính, đoàn công tác của TPHCM do Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức dẫn đầu đã kiểm tra việc chấp hành phòng dịch tại PouYuen. Mặc dù vừa phát hiện có công nhân dương tính với SARS-CoV2 nhưng đoàn công tác vẫn thấy tình trạng công nhân không giữ khoảng cách khi di chuyển đến nhà ăn và trong khu vực ăn, uống.

Hiện TPHCM có khoảng 1,6 triệu lao động làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận một số đơn vị sản xuất phát sinh ca nhiễm, nếu không kiểm soát khống chế nguồn lây có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, khó giữ mục tiêu kép. Ngành y tế Thành phố cũng đã xác định cần tăng kiểm soát, tầm soát diện rộng, tập trung những khu nhà trọ công nhân. Chỉ cần một ca F0 trong nhóm này có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho nhiều nhà máy, xí nghiệp khác nhau.

Không chỉ tại những nơi sản xuất, nhiều hoạt động khác của đời sống, tình trạng lơ là cũng khá phổ biến. Trong những ngày thực hiện Chỉ thị 15, trên đường phố cũng không khó bắt gặp những cửa hàng vẫn để ghế ngồi phục vụ khách tại chỗ, người dân vẫn tụ tập ăn nhậu… Thậm chí, tại một cơ sở kinh doanh thiết bị di động viện lí do mặt hàng viễn thông là thiết yếu nên không chấp hành đóng cửa và tại nhiều cửa hàng đơn vị này những ngày qua đã phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19, gây khó khăn cho công tác dập dịch của Thành phố.

Cũng trong đợt dịch lần này, một số ca bệnh khởi nguồn ban đầu phát hiện qua công tác khám sáng lọc, tầm soát từ các bệnh viện. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do sự lơ là của một số cơ sở y tế tư nhân đã khiến các bệnh viện sau đó trở thành chuỗi lây nhiễm.

Đơn cử như 2 trường hợp bệnh nhân ở Quận 3 và Gò Vấp, trước khi được xét nghiệm phát hiện dương tính SARS-CoV-2 thì cả 2  đều đã đến khám ở những phòng khám tư nhân, tuy nhiên các phòng khám này không cảnh giác, không có cảnh báo đối với các bệnh viện giới thiệu chuyển đến.

Trong các buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch với TPHCM gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đánh giá Thành phố đang ở giai đoạn hết sức khó khăn của đợt dịch lần này. Thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó có áp dụng Chỉ thị 15 và một số khu vực áp dụng Chỉ thị 16. Cơ bản Thành phố không để mất kiểm soát ở các chuỗi lây nhiễm nhưng có sự lơi lỏng, thiếu chặt chẽ. Mặc dù TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành bộ tiêu chí an toàn ở các lĩnh vực nhưng việc phát sinh lây nhiễm ở nhiều lĩnh vực cho thấy cần xem xét, bổ sung các tiêu chí an toàn và kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức lơ là, vi phạm quy định phòng dịch.

Theo ông, việc lây nhiễm trong môi trường sản xuất, môi trường công sở có thể do giãn cách không tốt, tổ chức sản xuất không tốt nhưng lại không có đánh giá, đặc biết là thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên…

Chính tình trạng lơ là, chủ quan trong phòng dịch của người dân, chiều ngày 19/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã phải ký văn bản khẩn số 2020 và 2021, về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân và các ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn trong thời gian 14 ngày.

Và ngay trong tối qua Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ban hành một chỉ thị mới, theo đó bổ xung thêm nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn. Trong khi trước đó (ngày 14/6) TPHCM quyết định kéo dài thực hiện Chỉ thị 15 trên địa bàn TPHCM thêm 2 tuần.

Tình trạng trên cho thấy diễn biến phức tạp của đợt dịch lần này nếu những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch không được thực hiện nghiêm; chính quyền các địa phương không phát huy tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch ở mức cao nhất; không thực sự: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu phố là một pháo đài, mỗi quận huyện là một mặt trận và truyền thông là một cánh quân”, tình hình dịch bệnh sẽ khó bị đẩy lùi.

Tại cuộc họp khẩn trưa ngày 19/6, nhấn mạnh về diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, toàn Thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, Bí thư Thành ủy thống nhất với đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn và cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nền nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm sau 1 tuần tới, Thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Đồng thời khẳng định Thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.

Băng Tâm

Top