Đi tìm thể chế phù hợp với quy mô, tầm vóc của TPHCM

12/11/2020 5:55 PM

(Chinhphu.vn) – Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành nghị quyết, song đề nghị cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khi Thành phố “không chọn việc nhẹ nhàng”

Theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch, các đại biểu tập trung vào 3 vấn đề lớn: Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TPHCM, trong đó có việc giữ nguyên hay tăng số lượng đại biểu chuyên trách khi Thành phố không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TPHCM.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích, đi tìm mảnh ghép thể chế phù hợp với quy mô, tầm vóc TPHCM là nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo nơi đây qua các thời kỳ. Ở góc độ lập pháp, nghị quyết khi triển khai được cho là góp phần giảm ùn tắc thể chế, khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế. Ở góc độ nhân văn, dự thảo nghị quyết như chuyển tải thông điệp về lẽ sống mà TPHCM đã tìm kiếm và lựa chọn, từ trong khát vọng, trách nhiệm và nghĩa tình về một mô hình chính quyền mà ở đó, mỗi tầng nấc được dỡ bỏ là thêm những bổn phận với nhân dân, trách nhiệm với sự phát triển và dĩ nhiên là không chỉ dành riêng cho Thành phố.

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã thiết kế điều khoản mở, tạo điều kiện để thành phố xây dựng chính quyền đô thị, nhưng giờ đây lại tiếp tục đặt vấn đề thí điểm. Với cách làm này, có phải chúng ta đã và đang quá lãng phí cơ hội vàng để khai phóng kịp thời các nguồn lực cho quốc gia phát triển”, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.

Theo đại biểu, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ trao cho Thành phố một cơ hội, mà còn trao cho Thành phố một lẽ sống mà nhiều thế hệ lãnh đạo nơi đây mong đợi. Với tất cả niềm tin của Quốc hội dành cho đầu tàu kinh tế, đại biểu Phạm Trọng Nhân tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ không phụ sự kỳ vọng Quốc hội và người dân ở các vùng miền còn lại về một chặng đường mới, khi thành phố quyết tâm “không chọn việc nhẹ nhàng” để hướng tới khát vọng lớn lao của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

“Chúng ta nói quá nhiều về những điều to tát, luôn trăn trở đi tìm nguồn lực cho tăng trưởng, lo xây tổ để đón đại bàng nhưng qua câu chuyện TPHCM xin cơ chế cũng nói lên một điều rằng, tư duy, ý chí về phát triển thì không thiếu. Nhưng hành động lại cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng cởi trói cho nguồn lực để hiện thực hóa tư duy và ý chí đó. Phải chăng, vì lẽ đó mà Thủ tướng đã nhắn nhủ trong phần trả lời chất vấn khi cho rằng thách thức lớn nhất không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”, đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu đầy trăn trở.

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM phù hợp với thực tiễn, phù hợp cả về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn tại TPHCM là một vấn đề mà được lãnh đạo TPHCM và các tầng lớp nhân dân TPHCM đã quan tâm từ nhiều năm nay. Đó cũng là một quá trình hoàn thiện, để đến hôm nay TPHCM thấy chín muồi các điều kiện để xin được trình ra với Quốc hội, Chính phủ đã có tờ trình. Đây là điều động viên đối với nhân dân TPHCM.

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đồng tình và ủng hộ chủ trương cấp thiết thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không cần thí điểm, để đến tháng 7/2021, nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố nhanh và bền vững. Qua đó, mới có thể phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TPHCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước trong thời gian tới.

Bày tỏ sự ủng hộ đồng tình đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) mong muốn khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì Quốc hội cũng như Hội đồng Bầu cử quốc gia tới đây, trong việc xây dựng các kế hoạch về phát triển kinh tế cũng giống như cơ cấu Hội đồng nhân dân của TPHCM, cân nhắc xem xét tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân của TPHCM, để tăng cường thêm tính hiệu lực, hiệu quả cũng như nguồn lực để có thể mang tính đại diện của người dân TPHCM cao hơn. Tăng cường sự giám sát cũng như giải quyết các kiến nghị, vướng mắc về tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đề nghị TPHCM trong xu thế phát triển kinh tế vùng hết sức quan tâm tới việc kết nối hạ tầng giao thông và đô thị đối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, để phát huy sự phát triển kinh tế vùng một cách toàn diện.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, TPHCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu và động lực có sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Thời gian qua, với sự nỗ lực cao, Thành phố đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực và cả nước. Với vị trí quan trọng, tiềm năng lớn, TPHCM rất cần tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt, cơ sở hạ tầng dân cư hiện nay. Và nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là cần thiết, để đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn, tác động tăng trưởng kinh tế TPHCM một cách nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, chúng ta phải tăng cường dân chủ trực tiếp những vấn đề có liên quan đến lợi ích của người dân. Sắp tới, Bộ Nội vụ trình Quốc hội Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về những nơi không có Hội đồng nhân dân sẽ thực hiện tăng cường dân chủ trực tiếp. Nếu không có dân chủ đại diện thì phải tăng cường dân chủ trực tiếp.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tới đây Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và UBND TPHCM tiếp tục hoàn thiện các nội dung, các thủ tục để trình Chủ tịch Quốc hội sớm ban hành nghị quyết này. Bộ Nội vụ sẽ trình với Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức chính quyền đô thị cho TPHCM để có hiệu lực từ ngày 1/1/2021và bắt đầu thực hiện từ 1/7/2021.

Lê Sơn

Top