Để tổ chức giải thưởng không chỉ là… lấy ‘tiếng’!

28/12/2018 9:22 PM

(Chinhphu.vn) - “Nếu chỉ đơn giản là phát giải thưởng mà không cùng doanh nghiệp chia sẻ, tạo điều kiện để sản phẩm ấy được nhân rộng thì đó là trách nhiệm của chính quyền Thành phố” - Khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại Lễ trao giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông TPHCM lần thứ 10.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm gian hàng triển lãm các giải pháp công nghệ thông tin đoạt giải thưởng Công nghệ Thông tin lần 10/2018 - Ảnh: TỰ TRUNG

Giải thưởng CNTT: Sẽ “rộng cửa” cho cả dân “ngoại đạo”

Giải thưởng Công nghệ thông tin Truyền thông (CNTT-TT) TPHCM lần thứ 10 đã khép lại ngày 28/12 với sự vinh danh dành cho 13 doanh nghiệp (DN), một cá nhân có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành cùng 10 sinh viên CNTT có thành tích học tập - nghiên cứu xuất sắc nhất.

Năm nay, giải thưởng có nhiều tiêu chí liên quan đến các giải pháp về đô thị thông minh, các chương trình đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của TPHCM hoặc có ứng dụng kết quả nghiên cứu trong nước, có tính nội địa hóa cao.

Chính vì vậy, hầu hết sản phẩm dự giải đều hướng đến xây dựng smart city, có nhiều đột phá về công nghệ (ứng dụng blockchain). Dù thuộc lĩnh vực dân dụng hay phục vụ hạ tầng đô thị, các sản phẩm đều được tích hợp tối đa các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 (IoT, AI…). Những sinh viên CNTT xuất sắc thậm chí còn có cả bài viết khoa học ở các tạp chí quốc tế.

Một trong những cá nhân từng được vinh danh ở giải thưởng này, startup Lê Yên Thanh - người đã từ chối Google để trở về Việt Nam khởi nghiệp - cho rằng chính quá trình ứng tuyển với các đòi hỏi khắt khe từ Hội đồng chấm giải đã góp phần không nhỏ vào sự trau dồi và định hình tư tưởng, con đường cho những nhà sáng chế trẻ trong tương lai.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung - thì tin rằng một giải thưởng được chính quyền thừa nhận có “sức nặng” khác hẳn với những giải thưởng khác. Bởi đó không chỉ là sự khích lệ to lớn đối với các DN mà còn là chỉ dấu xác nhận chất lượng dịch vụ và sản phẩm công nghệ trong cuộc đua của thế giới sáng tạo.

Từ góc nhìn của nhà lãnh đạo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thì gợi mở về cách nhìn nhận đối với những đóng góp lớn cho hệ sinh thái CNTT ở những giải thưởng trong tương lai. “Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Nên chăng cũng cần phải khích lệ, khen thưởng cả những ‘người lái đò’ đóng vai trò dẫn dắt các nhóm nghiên cứu sinh viên. Hoặc có riêng giải thưởng cho sáng kiến của những cá nhân, tập thể đã sáng tạo thêm các chính sách hỗ trợ, kích thích hệ sinh thái CNTT-TT”.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng - người từng 7 lần tham gia Tổ Xét giải ở các kỳ vinh danh giải thưởng CNTT-TT - cho rằng smart city là đô thị với nhiều hệ thống thông minh được kết nối chặt chẽ với nhau. Theo đó, “những ai, những hệ thống thông minh nào mang lại niềm vui, hạnh phúc, tiện ích nhiều nhất cho người dân thì nên được xem xét trao giải. Không cứ gì người trong ‘nghề’ mới được tôn vinh. Khi đó tác động của giải thưởng đối với tiến trình xây dựng smart city mới thực sự có ý nghĩa theo chiều sâu”.

Cần lắm những “cú hích” chính sách

Tất nhiên, một vài giải thưởng có thể hỗ trợ DN về tên tuổi, hay lớn hơn có thể là động lực khích lệ DN không ngừng sáng tạo thêm cái mới. Thế nhưng, “có thực mới vực được đạo”, đằng sau mỗi giải thưởng nhận được, là những bài toán “cơm áo” khốc liệt mà mỗi DN phải đối mặt để tồn tại và phát triển.

Thế nên, câu hỏi mà rất nhiều người dự giải - là những nhà khoa học, nhà quản lý, các DN, cá nhân - vẫn còn băn khoăn là những giải thưởng ấy, nhất là giải dành cho các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, đang đóng vai trò ra sao trong cuộc đấu tranh “sống còn” của chính DN chốn thương trường?

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch TPHCM (ICDREC) - tâm tư rằng “tiền thưởng lớn hay không chưa phải là thứ quan trọng. Điều quan tâm của nhà sáng chế này là sau các giải thưởng, liệu sản phẩm made-in-Vietnam có được hỗ trợ để tới được với đời sống kinh tế hay không”.

Cũng theo nhà quản lý từ ICDREC, những người làm “phần cứng” còn khá nhiều vất vả khi gần như rất đơn độc để tìm cách cho sản phẩm thâm nhập thị trường. “Chính sách ưu đãi cho hàng Việt dù đã có đề cập tại nhiều hành lang pháp lý (Luật đầu tư, Luật Đấu thầu, Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017…) nhưng khâu thực hiện vẫn còn bất cập lớn.

Ví dụ, quy định tại Luật Đấu thầu (khoản 1 - điều 14) có nói Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, tiêu chí này áp dụng với sản phẩm phần cứng thì rất khó. Bởi giá trị của một sản phẩm công nghệ cao không phụ thuộc vào giá thành đơn lẻ của từng chi tiết A, B, C… mà phụ thuộc rất lớn vào các thuật toán, tức cách thức mà nhà sản xuất kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới, hiệu năng mới… 

Và ở khâu này, nhà sản xuất không biết làm sao để chứng minh được tỷ lệ “nội địa hóa” chất xám khi dự thầu. Vì khó nhận được “điểm cộng” ưu đãi chính sách nên những nhà sản xuất phần cứng như ICDREC vẫn phải tham gia nhiều cuộc đấu “tay bo” không cân sức với các nhà thầu ngoại.

Người đại diện cho niềm tự hào mang tên vi mạch Việt Nam còn tin rằng trong lúc toàn cầu đang “nóng” lên với các thách thức về an ninh mạng, thì có lẽ đã tới lúc cần nhìn nhận tỷ lệ “nội địa hóa” ấy ở góc độ an ninh quốc gia. Theo đó, nếu một sản phẩm công nghệ được vận hành bằng “bộ não” Việt Nam - tức được điều khiển bởi bộ vi xử lý và phần mềm firmware “nội địa” (kiểm soát giám sát và thao tác dữ liệu của hệ điều hành) - thì nên được xem là đủ điều kiện để nhận được sự ủng hộ khi tham gia đấu thầu ở các dự án.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng thẳng thắn thừa nhận mục tiêu của các nhà quản lý Thành phố là làm sao để sản phẩm CNTT phải tăng cả về số lượng, quy mô và được ứng dụng rộng rãi trên thực tế. “Nếu chỉ đơn giản là phát giải thưởng mà không cùng DN chia sẻ, tạo điều kiện để sản phẩm ấy được nhân rộng thì đó là trách nhiệm của chính quyền Thành phố!”.

Thật vậy, trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang thuận lợi khi có xuất phát điểm gần như ngang với thế giới. Bởi vậy, để góp phần kiến thiết nên vị thế mới cho nước nhà, “mũi nhọn” công nghệ thông tin không chỉ cần tới sự vinh danh như một “động lực tinh thần” mà còn mong đợi cả những “cú hích” chính sách đủ mạnh.

Các sản phẩm, dịch vụ và cá nhân đoạt giải:

Phương Hiền

Top