Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông

26/11/2020 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 26/11, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tư an toàn giao thông giai đoạn 2018-2020” .

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Anh

Trong giai đoạn 2018-2020, Ban An toàn giao thông TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động, nhất là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến toàn thể người dân Thành phố.

Cụ thể, tổ chức 15.451 đợt tuyên truyền về an toàn giao thông với hơn 3,5 triệu lượt người tham dự; phối hợp, hỗ trợ các ban, ngành, đoàn thể, trường học tổ chức 75 hội thi tìm hiểu về an toàn giao thông; xây dựng gần 300 phóng sự, hơn 600 chương trình truyền hình, hơn 35.7000 lượt phát thanh và gần 5.800 bài viết đăng trên các phương tiện báo chí; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai cuộc thi “giao thông học đường”…

Theo Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM), bằng nhiều giải pháp, các năm qua tình hình tai nạn giao thông tại TPHCM có những chuyển biến khả quan, giảm ba tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương so với các năm trước. Người dân thành phố ngày càng nâng cao tinh thần chấp hành quy định, đồng thời các lực lượng cũng ra quân xử lý quyết liệt.

Trong năm 2020, TPHCM vẫn là địa phương đi đầu cả nước trong việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và ma túy đối với lái xe; có tháng đã xử lý 14.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Mục tiêu sắp tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào xử phạt vi phạm. Trong đó, sẽ hoàn thiện xử phạt qua hình ảnh. Theo thống kê, năm 2019 tỉ lệ xử lý qua hình ảnh (phạt nguội) chiếm 15-20%, năm 2020 đạt khoảng 36% và dự kiến đạt 80-90% vào năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Ban An toàn giao thông Thành phố cần nâng chất lượng phong trào thi đua, bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2020-2025 để hoạt động này thấm sâu đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thành phố.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn Chỉ thị 34 ngày 17/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Tăng cường phát hiện các gương điển hình, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông để khen thưởng kịp thời.

Xây dựng và ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngay từ đầu năm để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nghiên cứu tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với tình hình thành phố. Xây dựng các phương án xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, từ 5% trở lên.

Tuyên truyền giáo dục hằng năm về an toàn giao thông, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thành phố khi tham gia giao thông. Đưa nội dung phổ biến pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt đoàn thể của các tổ chức chính trị xã hội. Cùng với đó, đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá chất lượng của các cơ quan, đơn vị.

Tặng bằng khen của UBND TPHCM cho 21 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua bảo đảm trật tư an toàn giao thông. Ảnh: VGP/Lê Anh

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong  nhấn mạnh, cần đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào quản lý trật tự, an toàn giao thông. Giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.  Phấn đấu hoàn thành trung tâm điều hành giao thông giai đoạn 2 vào năm 2025.

Lê Anh

Top