Chuyên gia nói gì về ý kiến Ngân hàng Nhà nước vào cuộc vụ Eximbank?

27/07/2020 9:28 PM

(Chinhphu.vn) - Những mâu thuẫn nghiêm trọng xảy ra giữa nhóm các cổ đông của Eximbank trong ít nhất 4 năm qua khiến dư luận khó tin tưởng về việc ngày 29/7 tới ngân hàng này sẽ có một kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 thành công. Đó cũng chính là lý do vì sao dư luận mong có “trọng tài” Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc để tình hình sớm được ổn định. Eximbank cần gì lúc này?

Trước câu hỏi của Báo Điện tử Chính phủ về việc Ngân hàng Nhà nước có cần vào cuộc để sớm ổn định tình hình tại Ngân hàng Eximbank hay không, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng đã cho biết quan điểm về vấn đề này.

Đưa ra thời hạn buộc Eximbank phải tự “dẹp loạn”

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia, giới tài chính ngân hàng giờ đây đã “quen” với những lùm xùm của vụ việc tại Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Và quả thực, các nhóm cổ đông với lợi ích khác nhau tại Eximbank đã  khiến ngân hàng này nổi lên như một điểm nóng cần sự can thiệp của NHNN.

Ông Lực cho rằng, NHNN nắm rất rõ những biến động trong nội bộ quản trị của Eximbank cũng như những ảnh hưởng của vụ việc lên thị trường tài chính và doanh nghiệp, khách hàng (nếu có) nên cơ quan này sẽ dựa vào đó để có những quyết sách phù hợp với thực tiễn tại Eximbank.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam hiện nay cũng như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đều đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 và thực tế là những lùm xùm tại Eximbank đã tồn tại quá lâu, nên đây là thời điểm để khép lại những trang sách không hay ho này của Eximbank và mở ra một thời kỳ mới cho ngân hàng này.

Trước tiên, NHNN nên đưa ra những yêu cầu bắt buộc các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank phải theo và đưa ra thời hạn nhất định để Eximbank tự điều chỉnh nội bộ, dẹp được những lùm xùm đó để phát triển. Thời hạn này không nên kéo dài. Sau thời hạn đó, nếu như họ không tự giải quyết được chuyện nội bộ, NHNN sẽ có biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn là can thiệp trực tiếp vào các vấn đề về quản trị ngân hàng, về nhân sự ngân hàng…Phương án điều một người đủ uy tín và trách nhiệm để đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Eximbank cũng cần được tính đến.

NHNN nên dựa vào luật để điều chỉnh Eximbank

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam hiện nay là một ngân hàng cổ phần thương mại, không có vốn của nhà nước nên để trị được những bất ổn tại Eximbank hiện nay, NHNN nên dựa vào các luật sẵn có như: Bộ luật dân sự, luật doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng…

“Tình hình bất ổn tại Eximbank tồn tại đã quá lâu rồi, nó khiến ngân hàng này mất rất nhiều cơ hội để phát triển. Nếu NHNN chiếu theo các luật “phủ xuống” Eximbank thì cũng đủ cơ sở để đưa Eximbank đi vào quỹ đạo như những ngân hàng khác của chúng ta. Hiện tại, Eximbank hoạt động theo các luật như luật doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng… và như mọi tổ chức, pháp nhân, cá nhân ở Việt Nam, chúng ta còn được điều chỉnh bởi Bộ Luật dân sự nên tôi thấy NHNN đủ căn cứ để ra mọi “quyết sách” kể cả là quyết sách về việc lựa chọn Chủ tịch Hội đồng quản trị của Eximbank nhiệm kỳ tới”, ông Võ Trí Thành nêu giải pháp.

NHNN nên chỉ định người đủ uy tín vào vị trí Chủ tịch HĐQT

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng nêu quan điểm, Eximbank là một ngân hàng đại chúng, theo quy định ngân hàng đại chúng không bị chi phối bởi một tổ chức nào hết. Quy định số cổ phần nắm giữ tối đa đối với ngân hàng đại chúng được giới hạn dưới 10% với tổ chức và 5% với cá nhân. Nhưng có vẻ Eximbank vẫn có một thế lực nào đó muốn thâu tóm vì những kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua đều không thành công.

Ông Hiển đặt câu hỏi: Tình hình rối ren tại Eximbank sẽ khiến cho ai thiệt hại? Và cho hay thiệt hại đầu tiên thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ. Eximbank thậm chí có những cổ đông sáng lập nhỏ lẻ từ thời kỳ đầu cổ phiếu giá cao và giờ còn rất ít giá trị và tiếp đến là những cổ đông nhỏ lẻ lựa chọn ngân hàng này để đầu tư.

Thiệt hại thứ hai thuộc về nền kinh tế. Nếu xét về sức mạnh và vai trò thì Eximbank chỉ thua 4 ngân hàng có cổ phần của Nhà nước. Với lợi thế đó, Eximbank đáng lẽ phải tham gia vào hoạt động tài chính, tiền tệ thật tốt.

Thiệt hại tiếp theo gọi tên các cổ đông lớn như SMPC. Tôi nghĩ SMPC đầu tư vào Eximbank chỉ vì tìm kiếm lợi nhuận từ việc tăng giá cổ phiếu… mà họ cũng thông qua Eximbank để tìm sự hợp tác, làm đầu mối cung ứng vốn cho các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam... Thế nhưng, những lùm xùm tại đây khiến họ cũng khó xoay xở và đạt được hiệu quả trong kế hoạch đầu tư.

Thiệt hại cuối cùng là hình ảnh một công ty đại chúng trên sàn và hình ảnh một ngân hàng bề thế quốc gia. Theo quan sát của tôi, mỗi quốc gia chỉ có 1 ngân hàng Eximbank, không có ngân hàng Eximbank thứ hai. Vì thế, tuy Eximbank chỉ có vốn tư nhân nhưng trong mắt các đối tác nước ngoài, người nước ngoài, Eximbank vẫn đại diện cho quốc gia nên tình hình Eximbank như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước của chúng ta trên trường quốc tế.

Eximbank cũng làm xấu đi hình ảnh của tổ chức ngân hàng. Sự giám sát của NHNN đối với ngân hàng phải mạnh hơn sự giám sát đối với các doanh nghiệp. Hiện nay dư luận cho rằng có tổ chức nào đó muốn thâu tóm ngân hàng này nên theo tôi NHNN phải vào cuộc để đảm bảo sự điều hành của Hội đồng quản trị sẽ đại diện cho đa số cổ đông.

Về vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank, ông Hiển cho rằng chủ tịch của Eximbank những năm gần đây đều không có tính ổn định và có vẻ như không được sự đồng thuận của số đông thành viên HĐQT. Tức là vai trò của những chủ tịch đó trong thời gian qua không phát huy được. Ngân hàng Eximbank tuy có Chủ tịch HĐQT nhưng không có sự đồng thuận nên vẫn giống như một tổ chức không có đầu đại diện cho số đông để vạch ra chiến lược. Do vậy, NHNN nên cử một người đại diện và làm Chủ tịch HĐQT để đảm bảo tính hợp tác và tính hợp lý trong việc phát triển ngân hàng.

Việc bảo vệ hệ thống tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn này là hết sức cần thiết nên sự giám sát của NHNN đối với các ngân hàng thương mại cổ phần chặt chẽ cũng là điều hợp lý. Và thực tế nếu không có sự giám sát của NHNN trong thời gian qua thì tại không ít ngân hàng ở Việt Nam đã xảy ra những chuyện nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì thế, NHNN cũng có quyến “sắp xếp” đối với Eximbank để ngân hàng này hoạt động tốt nhất có thể.

Thực tiễn ở một số nước vẫn có chuyện Chính phủ cứu những tập đoàn lớn, những công ty cổ phần lớn để tránh nguy cơ cho nền kinh tế của họ. Nhà nước của họ cũng có chuyện cử người vào điều hành các tập đoàn lớn để tránh những hệ lụy cho nền kinh tế của họ.

Lịch sử về ghế Chủ tịch HĐQT của Eximbank cũng từng ghi nhận việc Chủ tịch HĐQT không đại diện cho cổ đông lớn mà đại diện cho nhà nước. Eximbank giai đoạn 2005-2010 là giai đoạn ổn định do ông Nguyễn Thành Long làm Chủ tịch HĐQT. Nếu xét về tỉ lệ cổ phần của SJC trong Eximbank thì ông Long không đại diện cho vốn lớn nhưng ông vẫn được bầu làm chủ tich và có vai trò rất tốt trong các quyết sách, chiến lược của Eximbank thời kỳ đó.

Điều đó cho thấy vị trí Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng không giống như vị trí chủ tịch của một doanh nghiệp, không phải đại diện cho tổ chức tư nhân có vốn lớn nhất mà phải là một người đủ uy tín và được số đông ủng hộ để tập hợp sức mạnh của mọi cổ đông và điều phối công việc để xây dựng chiến lược quản trị ngân hàng.  

"Theo dõi Eximbank nhiều năm qua tôi thấy tiếc lắm, buồn lắm nhưng tôi nghĩ sắp tới NHNN cần phải có các bước đi cứng rắn và biện pháp mạnh như giới thiệu một Chủ tịch HĐQT đủ uy tín, có sự tín nhiệm của số đông chắc chắn sẽ khiến Eximbank trở lại bứt phá hơn", TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ hy vọng.

Mỹ Dung

Top