Chú trọng phát triển không gian ngầm trong quy hoạch đô thị tại TPHCM

07/05/2024 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, việc quy hoạch phát triển không gian ngầm là rất quan trọng, đặc biệt đối với đại đô thị như TPHCM. Không gian ngầm sẽ vừa là nguồn lực, vừa là tài nguyên để phát triển kinh tế-xã hội.

Chú trọng phát triển không gian ngầm trong quy hoạch đô thị tại TPHCM- Ảnh 1.

Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 7/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM có buổi giám sát UBND Thành phố về việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2010-2023.

Theo ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố, Trưởng Đoàn Giám sát, trong chương trình cho ý kiến về xây dựng pháp luật thì có dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và Luật Quy hoạch nông thôn. Cuối năm 2023, Đoàn ĐBQH Thành phố xác định công tác quy hoạch là rất quan trọng trong phát triển TPHCM và Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thống nhất đưa nội dung này vào kế hoạch giám sát.

Qua buổi giám sát, Đoàn ĐBQH muốn nắm được những vấn đề cơ bản trong triển khai quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn 13 năm qua cùng những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của UBND Thành phố.

Chú trọng phát triển không gian ngầm trong quy hoạch đô thị tại TPHCM- Ảnh 2.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến tại buổi giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, trong quy hoạch đô thị, việc quy hoạch phát triển không gian ngầm là rất quan trọng, đặc biệt đối với đại đô thị như TPHCM. Không gian ngầm sẽ vừa là nguồn lực, vừa là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, TPHCM từng xúc tiến kêu gọi đầu tư 6 tuyến tàu điện ngầm (Metro) nhưng đến nay tuyến đầu tiên vẫn chưa xong.

Từ đó, đại diện đoàn giám sát bày tỏ mong muốn UBND Thành phố làm rõ những trở ngại, những vấn đề phát sinh trong việc phát triển không gian ngầm của Thành phố.

Cũng theo ông Nghĩa, các tài liệu đã cho thấy mức độ báo động về tình trạng sụt lún tại TPHCM, bên cạnh đó còn là tình trạng ngập nước. Vậy TPHCM phát triển không gian ngầm như thế nào trong điều kiện này?

Vấn đề thứ 2 ông Nghĩa muốn được làm rõ, đó là quy hoạch xử lý rác thải với hiện trạng tại Thành phố.

Chú trọng phát triển không gian ngầm trong quy hoạch đô thị tại TPHCM- Ảnh 3.

Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM trả lời đoàn giám sát - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Kết nối các không gian ngầm

Trả lời đoàn giám sát, ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, thừa nhận TPHCM đúng là đang gặp phải hiện tượng sụt lún. Qua quá trình điều chỉnh quy hoạch đã thống kê đầy đủ quá trình sụt lún của TPHCM từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, độ sụt lún trung bình từ năm 2005 đến năm 2017 là 23,27 cm, có nơi cao nhất là 81 cm, tốc độ lún trung bình là 1,99 cm/năm. Ngoài ra, quá trình lượng mưa tăng đột biến và mực nước của các sông dâng cao hơn bình thường cũng tạo ra các vấn đề khác như ngập nước,đòi hỏi Thành phố cần cải thiện hệ thống thoát nước

Còn đối với phát triển không gian ngầm, ông Kiên cho hay, các dự án Metro đều phải tuân thủ các quy định liên quan, lấy ý kiến nhiều bên để đánh giá, xác định hành lang ảnh hưởng, phạm vi bảo vệ để tránh tác động đến không gian ngầm chung của đô thị.

"Trong đồ án quy hoạch chung đô thị đang điều chỉnh, nội dung về không gian ngầm sẽ được làm đầy đủ. Chúng tôi cũng tính toán việc kết nối không gian ngầm các công trình với không gian ngầm công cộng", ông Kiên nói.

Về vấn đề thoát nước, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, chiều dài hệ thống thoát nước của Thành phố là hơn 4.500 km. Hiện Thành phố có 4 nhà máy xử lý nước thải, công suất xử lý nước đạt 71%.

Còn đối với vấn đề xử lý rác thải, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM thông tin, thực hiện quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn 2060, Thành phố có 5 khu xử lý chất thải rắn: Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Thành phố; Khu quy hoạch xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước; Khu công nghiệp xử lý rác Long An – Thành phố Hồ Chí Minh và 2 trạm xử lý chất thải rắn ở Thủ Đức.

Ông Trực thông tin thêm, tới thời điểm này, đã có 2 doanh nghiệp đã đăng ký chuyển công nghệ xử lý từ việc chôn lấp, đốt rác không thu hồi năng lượng sang hình thức đốt rác phát điện. Vừa rồi, UBND TPHCM đã có rất nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng chấp thuận triển khai thực hiện 2 dự án đốt rác phát điện này.

Anh Thơ

Top